Nhà báo Văn An cùng vợ - nữ họa sĩ Ngọc Mỹ trong phòng triển lãm tranh ở phố Hàng Buồm, năm 1988
 
“Ở Huế, các hội viên ai cũng thèm vẽ quá, nhưng lấy đâu ra vật tư để làm việc,…, phải khấu trừ chi tiêu của bữa ăn để sáng tác”.
“Chúng tôi đội ngũ giảng dạy và sáng tác đang đấu tranh để tồn tại và sử dụng tối đa đến lương tâm nghề nghiệp của mình để hoàn thành nhiệm vụ”.
 
 
Từ trái sang nhà báo Văn An, họa sĩ Vĩnh Phối, họa sĩ Ngọc Mỹ, người kế tiếp, họa sĩ Trương Bé, và người em kết thân của họa sĩ Ngọc Mỹ
 
 
Từ trái sang họa sĩ Đỗ Kỳ Hoàng, họa sĩ Trương Bé, họa sĩ Ngọc Mỹ, người em kết thân của nữ họa sĩ, nhà báo Văn An, họa sĩ Vĩnh Phối trong phòng triển lãm của ba họa sĩ Huế tại phố hàng Buồm, Hà Nội, năm 1988
 
Họa sĩ Đỗ Kỳ Hoàng và Vĩnh Phối, Trương Bé đã trả lời phỏng vấn tạp chí mỹ thuật vào năm 1988, khi Hà Nội, lần đầu, có nhóm các họa sĩ Huế được triển lãm. Sự thật đúng như các ông đã chia sẻ, ra Hà Nội ở cái thời điểm lạm phát sau đổi tiền 1985 tới 700% thì vô vàn khó khăn. Rồi quý nhân xuất hiện, nữ họa sĩ Ngọc Mỹ, bà cùng chồng, ông Văn An một nhà báo của báo Đại Đoàn Kết, giúp đỡ một phần tài chính như tiền ăn ở, vé tàu về,..., để các ông có thể hoàn thành được triển lãm.
 
Nữ họa sĩ Ngọc Mỹ ngày đó, mở phòng tranh gia đình ở phố Bà Triệu. Bà đã giúp đỡ nhiều họa sĩ khóa Đông Dương, Kháng Chiến ở Hà Nội, nên việc giúp các họa sĩ từ miền Nam ra, như mối lương duyên kéo dài với mỹ thuật của bà.
 
 
 
 
Tư liệu in trong Tạp chí Mỹ thuật năm 1988
 
 
Người viết bài này, là người sưu tập thuộc thế hệ con cháu của các họa sĩ, may mắn có được những tranh quý của các họa sĩ Huế, đi ra từ bộ sưu tập của nữ họa sĩ ngày đó, giờ là chủ của Bảo tàng mỹ thuật tư nhân đầu tiên được thành lập cấp phép ở Việt Nam, bảo tàng mỹ thuật Phan Thị Ngọc Mỹ. Chúng tôi đi tìm tư liệu nguồn gốc cho những bức tranh đã sưu tập.
 
 
Nữ họa sĩ Ngọc Mỹ trong phòng tranh ba họa sĩ Huê tại Hàng Buồm, Hà Nội, năm 1988
 
Nữ họa sĩ sinh năm 1947, tuổi Đinh Hợi, Đinh thuộc âm hỏa, Hợi thuộc thủy, chất khéo léo như thủy, nhiệt huyết như hỏa của bà chẳng lúc nào tắt. Bà sôi nổi, chia sẻ những kỷ niệm với họa sĩ Vĩnh Phối, Đỗ Kỳ Hoàng, Trương Bé – ông đang là Hiệu phó trường mỹ thuật Huế. Chuyện giúp đỡ tài chính bà khéo léo không nói chi tiết, chỉ đề cập nhẹ nhàng. Bà chủ bảo tàng cung cấp cho chúng tôi những tấm ảnh tư liệu vô cùng quí, ảnh chụp bà và các họa sĩ Huế ngày đó. Ai thời đó cũng biết, cuộc sống của người Hà Nội ở quận trung tâm, chỉ có ngày Tết hoặc ngày quan trọng, mới dám đi chụp ảnh, bởi chụp ảnh là sang lắm.
 
 
Phong Cảnh Huế, tranh bột màu, vẽ thập niên 1970s
 
Mối lương duyên của nữ họa sĩ với các họa sĩ Huế còn kéo dài. Là người sưu tập, mở phòng tranh, nên nữ họa sĩ nhờ các ông về Huế, tìm mua hộ tranh của những họa sĩ Huế, ví như tranh của họa sĩ Tôn Thất Đào…
 
Những năm 1980 cả nước đói khổ, việc giao thương ngặt nghèo. Đưa tranh của các họa sĩ Huế ra Hà Nội triển lãm cũng kỳ công, câu chuyện từng được nữ họa sĩ Đoàn Hương kể lại, tranh họa sĩ Tôn Thất Đào (1910-1979) -vị Giám đốc đầu tiên của trường mỹ thuật Huế thời VNCH, theo lời mời của Bộ Văn hóa, cũng chỉ mang được có vài tranh, cuộn nhét ống nhôm, gửi xe ô tô nhỏ mang ra. Các họa sĩ như Trương Bé, Vĩnh Phối, Đỗ Kỳ Hoàng mỗi lần ra Hà Nội lại tìm và mang một ít tranh của họa sĩ Tôn Thất Đào theo mong muốn của họa sĩ Ngọc Mỹ. Các ông còn vẽ chân dung nữ họa sĩ và các con của bà.
 
 
Cảnh Khâm Lăng, bột màu, họa sĩ Tôn Thất Đào, 1976
 
Chúng tôi may mắn sưu tập được một số tranh của họa sĩ Tôn Thất Đào, tốt nghiệp khóa 8 (1932-1937) Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương, từ các nhà sưu tập cao tuổi ở Hà Nội, trước đây họ mua từ phòng tranh Bà Triệu, Ngọc Hà của họa sĩ Ngọc Mỹ. Hầu hết những bức tranh được họa sĩ Tôn Thất Đào vẽ phong cảnh miền trung, vẽ ở những năm cuối đời, trước khi ông mất năm 1979. Hiện bảo tàng mỹ thuật Phan Thị Ngọc Mỹ vẫn còn lưu giữ một số bức, thì có thêm bảo tàng Đức Minh ở Sài Gòn của anh Bùi Quốc Chí con cụ Đức Minh giữ, người viết bài này giữ và một vài người sưu tập khác.
 
 
Phiên Chợ Xưa, bột màu, họa sĩ Tôn Thất Đào
 
 
Cảnh quê, bột màu, họa sĩ Tôn Thất Đào, được họa sĩ Vĩnh Phối mang từ Huế ra trao cho nữ họa sĩ Ngọc Mỹ cuối thập niên 1980.
 
Ngắm những bức tranh bột màu họa sĩ Tôn Thất Đào vẽ, chúng tôi cảm nhận, sự chậm rãi trong nét vẽ, sự trong trẻo, phẳng lặng, như cái khí tiết xứ Kinh thành Huế. Còn cả những bức vẽ như hồi cố về một thời xa xưa, lầu son mái ngọc, hay phiên chợ quê cũng thật tuyệt.
 
Duyên khởi chúng tôi mới có được những tấm tranh của họa sĩ Tôn Thất Đào, vốn rất hiếm hoi trong giới sưu tập trong và ngoài nước. Xin cảm ơn nữ họa sĩ đáng kính Ngọc Mỹ, bà – cây cầu nối giữa những người sưu tập như chúng tôi với tranh họa sĩ Tôn Thất Đào.
 

(Cát Khánh viết theo lời kể của một người sưu tập tranh họa sĩ Tôn Thất Đào, 12/2023)