Những Người Nghiên Cứu Thầm Lặng
 
 
Ảnh: Nhà Phê bình Mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo và tác phẩm Múa Cổ, sơn mài, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, ảnh chụp tại nhà của Nhà Phê bình phố Hàng Hành, Hoàn Kiếm, Hà Nội, năm 2023
 
Một tối mùa đông, cuối thập niên 1970s, mưa phùn lạnh lẽo, con phố Nguyễn Thái Học nối tới Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vắng ngắt.  Từ khu nhà tập thể cán bộ Viện nghiên cứu Mỹ thuật giáp với Bảo tàng, một cán bộ của Viện rảo bước, hướng tới căn nhà số 65 Nguyễn Thái Học. Căn nhà biệt thự Pháp cổ, ở đó có nhiều nghệ sĩ, họa sĩ cùng ở, mỗi cụ, mỗi gia đình ở một căn buồng.  
 
Như lệ thường, từ hơn chục năm nay, hàng tháng, người cán bộ cần mẫn, mang 20 tấm ảnh, ảnh chụp các điêu khắc cổ về đình, chùa, lăng tẩm, tới ngôi nhà số 65, giao cho một họa sĩ ở căn buồng trên gác hai. Hai con người, một bằng tuổi cha, một người tuổi con, ngồi bên nhau, tâm tình chuyện mỹ thuật, chuyện nghề, chuyện nhân tình thế thái, họ là cố danh họa Nguyễn Tư Nghiêm (1922-2016), và bác Nguyễn Đỗ Bảo, con trai cố họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung (1912-1977), bạn cùng trường cao đẳng mỹ thuật Đông Dương, cùng theo kháng chiến chống Pháp.
 
Câu chuyện thú vị và dài dòng là họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm không được đi hoặc rất khó được đi ra khỏi Hà Nội, như một công việc lệ thường của một họa sĩ, lấy tư liệu thực tế về vẽ.  Thời chiến tranh, muốn đi các địa phương, phải có giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức nơi cư trú. Cụ Nguyễn Tư Nghiêm từ thập niên 1960s, đã xin ra khỏi các cơ quan, đoàn thể, chỉ còn là hội viên của Hội mỹ thuật, nên cái việc đi xuống các địa phương, mang máy chụp ảnh tư liệu, là bất khả thi.
 
Bằng cảm mến về tài năng khác biệt,  cả sự đồng cảm, đồng hiểu về những vốn cổ văn hóa, bác Đỗ Bảo, đã tự nguyện cầm tư liệu ảnh của Viện Nghiên cứu Mỹ thuật,  định kỳ hàng tháng, đưa tới cho họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm mượn. Tất nhiên, chẳng phải thích là có thể thực hiện được, bác Đỗ Bảo đã trình bày ý tưởng hỗ trợ họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm các tư liệu của Viện, lên trưởng phòng, người quản lý trực tiếp là họa sĩ Nguyễn Đức Nùng, hàng tháng, cho họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm mượn 20 tấm ảnh, kích thước mỗi tấm 18 x 24 cm, cứ như vậy, trao mới, nhận cũ.
 
Ấy vậy, cuộc sống đời thường, đôi khi không phải cứ làm việc tốt là được ủng hộ. Không ít lần, bác Đỗ Bảo, bị các đồng nghiệp cùng Viện chất vấn, về việc mang tư liệu của Viện đi cho người bên ngoài Viện sử dụng. Trong số đồng nghiệp này, có cả người danh tiếng về nghiên cứu phê bình nghệ thuật, mà bác Đỗ Bảo có nhắc tên…
 
Cách trao tư liệu ảnh cũng khoa học, trao theo chủ đề, ví như tư liệu ảnh về nhà Mạc thì sẽ bao gồm tất cả các tư liệu ảnh của nhà Mạc mà Viện nghiên cứu mỹ thuật có, rồi cũng như vậy với tư liệu các thời kỳ, Lý, Trần, Lê. Theo bác Đỗ Bảo, tư liệu được trao nhiều nhất là tư liệu về điêu khắc đình làng thời Lê, trải dài mấy trăm năm từ thế kỷ, XVI, XVII, XVIII.
 
Ý thức cần mẫn, nhiệt tâm của người cán bộ Viện nghiên cứu Mỹ thuật, đã được danh họa đền đáp. Những câu hỏi khéo léo được đặt ra với họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm về những điều đúc rút ra qua các tư liệu. Để rồi những hiểu biết, thu thâu được, sâu sắc, uyên thâm của Cụ được trao truyền. Nhìn ở một giác độ khác, thì hóa ra cụ Nguyễn Tư Nghiêm lại trở thành một “nghiên cứu viên” của Viện nghiên cứu Mỹ thuật. Người viết bài này mới thấy, các cụ nhà ta, giúp nhau một cách đầy văn hóa, tình người, có trách nhiệm, chứ không như cái vỏ ngoài phiến diện, mà người thường thấy được. Hai con người một già, một trẻ đi cùng nhau xuyên qua ba thập kỷ, từ 1960s, sang cuối thập kỷ 1970s, ngắt quãng vài năm, vì người cán bộ đi nước ngoài làm nghiên cứu sinh, rồi lại tiếp tục ở đầu thập niên 1980s cho đến chạm đầu thập niên 1990s, tức là sau khi họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm lấy vợ, rồi chuyển nhà đi xuống khu Kim Liên.
 
Trở lại câu chuyện, tối mùa đông cuối thập niên 1970s, bác Đỗ Bảo sang căn buồng của cụ Nguyễn Tư Nghiêm, hai người chuyện trò, rồi chia tay.  Sáng sớm hôm sau, khi bác Đỗ Bảo đang đánh răng, thấy thấp thoáng bóng người đứng ngoài hàng rào khu tập thể Viện, hỏi vọng vào, đó là cụ Song Văn và nhạc sĩ Đỗ Nhuận, hai người sống dưới tầng một, của ngôi nhà số 65 Nguyễn Thái Học. Một lúc sau, hai bị khách đi vòng cổng sau, gặp cụ Nguyễn Văn Y để trao đổi điều gì đó, cụ đang sống cùng khu tập thể Viện, và là Viện phó Viện nghiên cứu Mỹ thuật. Một lúc sau, cụ Nguyễn Văn Y gặp bác Đỗ Bảo, cụ nói chuyện, nhà nhạc sĩ Đỗ Nhuận mất cái xe đạp của con trai, là nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, cái xe dựng ở chân cầu thang tối hôm qua.
 
Rồi gia đình nhạc sĩ đã đi báo đồn công an, cán bộ công an xuống ngay tối hôm qua, hỏi từng người sống trong số nhà 65. Sự việc là cả tối hôm qua, ngoại trừ nhà của cụ Nguyễn Tư Nghiêm tiếp khách tối khuya, thì không có  nhà nào tiếp khách. Cụ Nguyễn Văn Y cho biết, là cán bộ công an đã mời cụ Nguyễn Tư Nghiêm, “diện nghi vấn” lên đồn công an, ngồi cả đêm, không cho về, chất vấn về việc mất chiếc xe đạp của hàng xóm. Bác Đỗ Bảo thưa với cụ Nguyễn Văn Y rằng, mình chính là người khách tối qua ở nhà cụ Nguyễn Tư Nghiêm, giờ cụ bị thế này thì không ổn rồi, phải lên đồn công an trình bày cho rõ. Cụ Nguyễn Văn Y còn cản, bảo là đừng lên, phiền phức, có gì thì công an người ta sẽ giải quyết tìm ra,...
 
 Nói là làm, bác Đỗ Bảo chỉnh tề đi lên đồn công an, công an phường Điện Biên thì cũng không xa, người viết bài viết này cũng sinh ra và lớn lên ở con phố gần Nguyễn Thái Học, cùng phường Điện Biên nên hiểu biết chút ít. Đang đi lên đồn công an, thì thấy cụ Nguyễn Tư Nghiêm lững thững đi về, bác Đỗ Bảo trình bày với cụ, là đang đi lên công an phường để nói về việc tới nhà cụ tối hôm qua. Cụ Nguyễn Tư Nghiêm chỉ nói mỗi một câu“Cả đêm hôm qua, công an nó mời mình lên đồn, ngồi tra hỏi, không cho về, cả đêm trên đồn, muỗi đốt gần chết,…”. Vâng đó là câu chuyện đời thường, giữa hai người, cách nay ngót nửa thế kỷ, giờ một người về thiên cổ, một người tám mươi.
 
 Người viết bài này, kết bạn với bác Đỗ Bảo hơn 10 năm qua, và cũng cố gắng thâu lượm được những điều quý giá. Bác Nguyễn Đỗ Bảo, từng đảm nhận vị trí Uy viên Hội đồng Phê bình và Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Phê bình và Lý luận Mỹ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhiều khóa. Hôm nay tới phỏng vấn, ghi hình bác Đỗ Bảo, trong câu chuyện, bác cho xem một chiếc hộp da, cứng, to, khá lạ mắt. Theo lời chia sẻ, thì đây chính là chiếc vỏ hộp đựng huy chương, chiếc huy chương trao cho danh họa Nguyễn Tư Nghiêm.
 
 
 
 
Ảnh: Chiếc hộp da đựng Huy chương trao cho họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm đạt Giải thưởng chính thức Triển lãm Hiện thực Quốc tế tại Bungari thập niên 1980, đang lưu giữ tại nhà Nhà nghiên cứu Phê bình Mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo
 
Chuyện chiếc huy chương là như thế này. Trong một cuộc triển lãm mang tên Triển lãm Hiện thực Quốc tế toàn Thế giới, tổ chức tại Bungari, quốc gia Việt Nam đã gửi sang một số tranh tham dự, trong đó có bức tranh Múa Cổ của cụ Nguyễn Tư Nghiêm. Kết quả Ban tổ chức đã trao giải chính thức cho 10 tác giả đến từ các nước như Đức, Nhật Bản,…, và phía Việt Nam, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm được trao giải Quốc tế chính thức cho tác phẩm sơn mài Múa Cổ.
 
Tôi có hỏi về lý do tranh cụ Nguyễn Tư Nghiêm được trao giải thưởng, bác Đỗ Bảo nói, Ban tổ chức Triển lãm Quốc tế, đánh giá, “tranh Múa Cổ thâu thái tất cả các nghệ thuật cổ và đẩy nó lên bằng nghệ thuật lập thể Châu Âu”  
 
Bác Đỗ Bảo lúc đó đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ bên Bungari, tiếp nhận chiếc hộp đựng huy chương trao cho cụ Nguyễn Tư Nghiêm. Một năm sau, cụ Mai Văn Hiến sang công tác, đã nhận huy chương, mang về Việt Nam, còn chiếc hộp to, “kềnh càng”, thì bỏ lại, và bác Đỗ Bảo vẫn giữ gìn như một kỷ niệm.
 
 
Ảnh: Nhà Phê bình Mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo và tác phẩm Múa Cổ, sơn mài, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, và người nghiên cứu tranh Múa Cổ - Nguyễn Đức Tiến, ảnh chụp tại 29 Hàng Hành, Hoàn Kiếm, Hà Nội, năm 2023
 
 
 
Ảnh: Truyền hình VTV 1 phỏng vấn tác giả - người nghiên cứu Múa Cổ - Nguyễn Đức Tiến, năm 2023,
 
 Hôm nay, người viết bài, được chụp hình bác Đỗ Bảo bên một tác phẩm Múa Cổ, sơn mài, trong chính căn nhà của bác và người cha, cụ họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung. Xin phép phỏng vấn, để tiếp thu những hiểu biết được cụ Nguyễn Tư Nghiêm truyền lại qua bác, về những điều sâu ẩn, giá trị của Múa Cổ.
 
 Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Bảo lại say sưa, về những hồi ức với cụ Nguyễn Tư Nghiêm. Bác nói nguyên văn “Cụ Nguyễn Tư Nghiêm, tôi cho là một nhân tài hiếm có của nền hội họa Việt Nam, hiếm có của thế hệ họa sĩ thời kỳ Đông Dương. Cụ đã đi trước chúng ta vài bước, bởi vì Cụ đã thâu thái được những tinh hoa đặc sắc, từ vốn điêu khắc cổ Đình làng Việt, đặc biệt thời Lê, thời hưng thịnh nhất của điêu khắc Đình làng, kéo dài tới mấy trăm năm, và đưa vào các tranh Múa Cổ. Nhìn vào tranh Múa Cổ, mình thấy những nét vẽ vạch rạch ròi, như những nét điêu khăc sắc sảo, lộ khối, rất đúng với lối hội họa lập thể hiện đại. Hay như màu nền son đỏ sẫm, sâu, đã làm nổi lên cái vẻ sang trọng tổng thể, của những nhân vật trong Múa Cổ, nếu là màu khác đi, thì hiệu quả thị giác sẽ khác. Những nhân vật trong bức tranh Múa Cổ này, rõ ràng chúng ta thấy rõ ở những điêu khắc Đình làng như Thổ Ngõa - Hà Tây, Keo Hành Thiện - Nam Định, Hoàng Xá - Hà Tây, Thổ Hà- Hà Bắc, Hưng Lộc – Nam Hà, Liên Hiệp – Hà Tây, ... Hết thảy, là những chân dung người Việt đầy tinh tế, cá tính, thuần khiết, và chứa đựng những ẩn ý sâu sắc khác mà chúng ta còn phải tiếp tục nghiên cứu ở tranh Múa Cổ.”
 
 Vâng, xin trân trọng cảm ơn nhưng câu chuyện, những hiểu biết văn hóa, tiến sĩ Nguyễn Đỗ Bảo đã chia sẻ!
 

(Cát Khánh đăng nguyên văn bài viết của tác giả Nguyễn Đức Tiến viết trên Tạp chí Mỹ thuật số tháng 9-10 năm 2023)