Tấm ảnh từ nguồn internet, minh họa về sự kiện các bức tranh khắc gỗ của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, minh họa cho cuốn chuyện Kiều của nhà xuất bản Thế Giới, không được in ấn xuất bản vào hồi cuối thập niên 1960 đầu thập niên 1970. Nguyên do Cụ không chịu lên gặp Lãnh đạo ngành để nghe ý kiến chỉ đạo việc sáng tác. Sau đó Cụ in vài tấm, còn thì chẻ các bản khắc gỗ. (theo lời kể của nhà Phê bình Mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo), hôm nay vẫn có vài nhà sưu tập lưu giữ được bản in.

     

 

Bức tranh Kiều Kim Trọng, 1970, cụ Nguyễn Tư Nghiêm tặng cho một cán bộ ở Bộ Văn hóa,  khi về hưu vị cán bộ này

là Cục trưởng của Bộ, sếp trực tiếp của họa sĩ Đoàn Hương - Chị cũng là người thụ giáo cả họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm

và họa sĩ Nguyễn Sáng tại số nhà 65 Nguyễn Thái Học. Chúng ta xem tranh để nắm rõ nét vẽ của Cụ giai đoạn này. 

 

              Một tối mùa đông, cuối thập niên 1970s, mưa phùn lạnh lẽo, con phố Nguyễn Thái Học nối tới Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vắng ngắt.  Từ khu nhà tập thể cán bộ Viện nghiên cứu Mỹ thuật giáp với Bảo tàng, một cán bộ của Viện rảo bước, hướng tới căn nhà số 65 Nguyễn Thái Học. Căn nhà biệt thự Pháp cổ, ở đó có nhiều nghệ sĩ, họa sĩ cùng ở, mỗi cụ, mỗi gia đình ở một căn buồng.  

Trở lại câu chuyện, tối mùa đông cuối thập niên 1970s, bác Đỗ Bảo sang căn buồng của cụ Nguyễn Tư Nghiêm, hai người chuyện trò, rồi chia tay.  Sáng sớm hôm sau, khi bác Đỗ Bảo đang đánh răng, thấy thấp thoáng bóng người đứng ngoài hàng rào khu tập thể Viện, hỏi vọng vào, đó là cụ Song Văn và nhạc sĩ Đỗ Nhuận, hai người sống dưới tầng một, của ngôi nhà số 65 Nguyễn Thái Học. Một lúc sau, hai vị khách đi vòng cổng sau, gặp cụ Nguyễn Văn Y để trao đổi điều gì đó, cụ đang sống cùng khu tập thể Viện, và là Viện phó Viện nghiên cứu Mỹ thuật. Một lúc sau, cụ Nguyễn Văn Y gặp bác Đỗ Bảo, cụ nói chuyện, nhà nhạc sĩ Đỗ Nhuận mất cái xe đạp của con trai, là nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, cái xe dựng ở chân cầu thang tối hôm qua.
 
Rồi gia đình nhạc sĩ đã đi báo đồn công an, cán bộ công an xuống ngay tối hôm qua, hỏi từng người sống trong số nhà 65. Sự việc là cả tối hôm qua, ngoại trừ nhà của cụ Nguyễn Tư Nghiêm tiếp khách tối khuya, thì không có  nhà nào tiếp khách. Cụ Nguyễn Văn Y cho biết, là cán bộ công an đã mời cụ Nguyễn Tư Nghiêm, “diện nghi vấn” lên đồn công an, ngồi cả đêm, không cho về, chất vấn về việc mất chiếc xe đạp của hàng xóm. Bác Đỗ Bảo thưa với cụ Nguyễn Văn Y rằng, mình chính là người khách tối qua ở nhà cụ Nguyễn Tư Nghiêm, giờ cụ bị thế này thì không ổn rồi, phải lên đồn công an trình bày cho rõ. Cụ Nguyễn Văn Y còn cản, bảo là đừng lên, phiền phức, có gì thì công an người ta sẽ giải quyết tìm ra,...
 


Bức Tranh Kiều Kim Trọng của một nhà sưu tập sống tại Pháp mang về  Hà Nội, gia đình mua trực tiếp từ họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, thập niên 1980. Chúng ta nhìn vào tranh để nắm rõ nét vẽ của Cụ giai đoạn này.

 Nói là làm, bác Đỗ Bảo chỉnh tề đi lên đồn công an, công an phường Điện Biên thì cũng không xa, người viết bài viết này cũng sinh ra và lớn lên ở con phố gần Nguyễn Thái Học, cùng phường Điện Biên nên hiểu biết chút ít. Đang đi lên đồn công an, thì thấy cụ Nguyễn Tư Nghiêm lững thững đi về, bác Đỗ Bảo trình bày với cụ, là đang đi lên công an phường để nói về việc tới nhà cụ tối hôm qua. Cụ Nguyễn Tư Nghiêm chỉ nói mỗi một câu“Cả đêm hôm qua, công an nó mời mình lên đồn, ngồi tra hỏi, không cho về, cả đêm trên đồn, muỗi đốt gần chết,…”. Vâng đó là câu chuyện đời thường, giữa hai người, cách nay ngót nửa thế kỷ, giờ một người về thiên cổ, một người tám mươi.

(Còn tiếp)

(Cát Khánh trích dần từ bài viết Những Người Nghiên Cứu Thầm Lặng, đăng trên Tạp Chí Mỹ thuật số 9-10/2023)