Với hơn 300 năm lịch sử của các sàn đấu giá lớn nhất thế giới như Sotheby's, Christie's hay hạng thấp hơn như Bonhams, Philips... và cho tới hơn 1000 nhà đấu giá được thống kê dữ liệu đấu giá hàng năm, thì mối lo thường trực của họ có lẽ không phải là không có các nhà đầu tư nghệ thuật sẵn sàng bỏ tiền mua các tác phẩm....

Tác phẩm Bức Rèm Tím, lụa, Lê Phổ, đạt mức giá cao nhất, 374.000 usd trên sàn đấu giá tính tới năm 2012

Vậy mối lo đó là gì? Khoan hãy tìm câu trả lời, nhìn vào dữ liệu xem sao.
 
Trong thống kê hàng năm của các trang thống kê dữ liệu Art Price về TOP 500 nghệ sĩ có số lượng và doanh thu cao nhất tại hơn 1,000 sàn đấu giá toàn cầu, của năm 2022, thì Việt Nam có một ngôi sao - họa sĩ được đánh dấu (*) của Art Price là Lê Phổ. Dấu (*) để chỉ họa sĩ mới được thăng hạng trên TOP 500.
 
Năm 2022, Lê Phổ thăng hạng lên vị trí thứ 89/500, cách nay 7 năm, mới hạng sau 450/500. Kèm theo con số tổng giá trị giao dịch tranh Lê Phổ năm 2022 là 26.864.103 usd với 186 lot được giao dịch thành công, 02 lot không thành công. Lot có giá trị giao dịch tốt nhất là 2.283.957 usd.
 
 
Nhìn vào con số tranh giao dịch, câu hỏi đặt ra: Lê Phổ đã vẽ tổng số bao nhiêu tranh? Bao nhiêu tranh đã được giao dịch? Không ai trả lời được chính xác, nhưng sẽ ước đoán được.
 
Giả dụ tính từ năm 1930-1931, năm Lê Phổ theo tháp tùng thầy Tardieur đi dự Hội chợ Triển lãm Thuộc địa Quốc tế tại Paris, ông đã vẽ, gửi đi bức tranh đầu tiên, mỗi năm vẽ được 12 tranh, tương đương vẽ 1 tranh/ tháng, loại tranh sơn dầu hoặc màu nước trên lụa, tính đến năm Lê Phổ mất là 2001 là tròn 70 năm, tương đương ông vẽ được 12 x 70 = 840 tranh suốt cuộc đời.
 
Không có thêm dữ liệu vòng quay của 1 bức tranh sau khi đã bán thành công thì bao lâu sẽ quay lại tái bán đấu giá. Chúng tôi giả định một tranh mua đấu giá, sau 5 năm sẽ quay trở lại ủy thác và tái đấu giá. Tiếp theo lấy sô 840 tranh/186 tranh đã bán của năm 2022 thì chỉ cần 4,5 năm là toàn bộ số tranh Lê Phổ sáng tác trong đời sẽ bán hết, đó là chưa nói tới ở các năm sau năm 2022 số tranh Lê Phổ mỗi năm nhu cầu mua lại tăng thêm.
 
Suy rộng ra với các họa sĩ Việt Nam sống tại Châu Âu khác như Mai Trung Thứ, người thứ hai cùng trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, gia nhập cuộc sống tại Paris với Lê Phổ vào năm 1937, tiếp đến có Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu,..., số lượng tranh cũng khó có thể so sánh hay nói là số lượng vượt trên Lê Phổ được.
 
 
Tác phẩm Người Bán Gạo, lụa, họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, đấu thành công cao nhất lịch sử tranh Việt, tính tới năm 2013, mức giá 390,000 usd, vượt tranh của Lê Phổ
 
Đến lúc này thì chúng ta đã hình dung ra, tranh Lê Phổ đã đang dần cạn cung trên các sàn đấu giá, cho đến khi kết thúc vòng quay 4,5 năm giả định ở trên. Và tranh các họa sĩ kia cũng sẽ dần cạn cung. Tất nhiên kết quả của cạn cung thì sẽ luôn là giá tăng, theo qui luật cung cầu, trong khi số đô la tích lũy theo GDP của người Việt mỗi năm lại tăng, hay chỉ riêng số Kiều hối về Việt Nam tăng đều lên tới chục tỷ đô la mỗi năm, thì con số doanh số bán tranh Việt trên sàn đấu nhỏ như cái tem dán mông con voi (!).
 
Giả định với tầm nhìn và hầu bao cực tốt, găm hàng, chờ bán giá cao, của các nhà đầu cơ tranh tay to ở Việt Nam, việc này là không có gì nói quá lên đâu nhé, ngay ở giữa Hà Nội, có nhưng nhà đầu cơ giữ cả trăm tranh đấu giá, thậm chí giữ hàng chục năm rồi... thì gót chân Asin của các sàn đấu giá với dòng tranh Đông Dương của các họa sĩ sống ở Châu Âu đã lộ diện là "CẠN CUNG HÀNG".
 
Người viết bài này đã có thời gian trong khoảng nửa năm tháp tùng một Giám đốc khu vực của nhà đấu giá lớn nhất thế giới, đi vòng quanh Việt Nam để thuyết phục các nhà sưu tập Việt nhả hàng đã đấu giá ra bán lại trên sàn. Vì vậy giả định gót chân Asin đã nói ở trên được củng cố thêm.
 
Liên hệ với thị trường nội địa, các sàn đấu giá tranh trong nước, có một tên tuổi từng trải qua 4 năm thăng trầm, cho đến lúc đóng cửa, là Chon Auction House với hàng nhiều chục phiên đấu giá liên tục. Gót chân Asin đã xuất hiện, CẠN CUNG HÀNG, là một trong những cái trụ cốt lõi dẫn tới sự đóng cửa chính thức, năm 2020, bên cạnh các nguyên nhân chủ quan của nội bộ ban điều hành. Hãy nhớ là sàn đấu giá Chon chủ yếu lựa chọn dòng hàng hóa là của các họa sĩ sống trong nước để đấu giá.
 
Thêm một dữ kiện nữa, trong hai ba năm trở lại đây, bắt đầu thấy các giám đốc của các sàn đấu giá Pháp, Châu Âu, năng xuất hiện ở Việt Nam, chào mời các nhà sưu tập Việt mua tranh, và còn tìm kiếm thêm hàng của các họa sĩ nội địa, gửi đi đấu trên sàn của họ. Thực tế trên thị trường đang có những dealer người bản địa hoặc Việt kiều chuyên làm việc này.
 
Nếu như có thêm dữ liệu thống kê nhập xuất tranh ra vào Việt Nam, thì bức tranh toàn cảnh có thể sẽ rõ thêm có bao nhiêu tranh đã nhập về nay tái gửi đấu giá, bao nhiêu tranh trong nước được ủy thác đấu mới, bao nhiêu tranh được quay về Việt Nam… thì bức tranh toàn cảnh cung cầu tranh đấu giá sẽ rõ hơn các thời điểm CẠN CUNG HÀNG.
 
(Cát Khánh, 3/2024)