Bước chân của nhà đấu giá Ngoại trên chiếu nhà
Trước tiên là phải công nhận kỹ nghệ bán hàng của các nhà đấu giá ngoại là luôn dẫn đầu. Cốt lõi của kỹ nghệ này là Hàng hoá, Cách thức bán hàng và Truyền thông.
Millon Auction, Pháp ngày 20/4/2024 đã tiến hành phiên đấu giá tại Pháp và mở đầu cầu Hà Nội tại địa điểm khách sạn Melia, 44, Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Điểm thú vị là đích thân chủ tịch nhà đấu giá người Pháp đã cầm búa trên bục giả định điều hành để gõ búa chốt.
Đọc danh mục 174 tài sản đem ra đấu giá, gồm đồ cổ, đồ tạo tác, tranh, có các tên tuổi hoạ sĩ học Mỹ thuật Đông Dương, sống trong nước xuất hiện như Nguyễn Tư Nghiêm, Lương Xuân Nhị, Bùi Xuân Phái,…
 
Tranh của hoạ sĩ Lương Xuân Nhị thu hút các nhà sưu tập, đây mới là điểm đáng học hỏi ở kỹ nghệ bán hàng của nhà đấu giá nước ngoài như Millon. Một số bức tranh sơn dầu, vẽ tĩnh vật hoa của danh hoạ Lương Xuân Nhị, trước khi đem uỷ thác đấu giá, thuộc các nhà sưu tập Hà Nội.
Nhìn nhận ở góc thị trường thì các bức tranh này có thể giao dịch ngoài sàn đấu giá và không khó để có khách sưu tập muốn giao dịch, ở đúng với dải giá ước định của nhà đấu giá Pháp. Ví như bức tranh tĩnh vật hoa, sơn dầu trên toan, kích thước 64x49 cm, có dải giá từ 40,000 eur đến 60,000 eur tương đương 1.1 tỷ đến 1.6 tỷ vnd.
Kỹ nghệ bán hàng đã kích thích tâm lý các khách hàng ngồi trên sàn đấu giá trả giá cho bức tranh lên đến 77,000 eur tương đương 2.1 tỷ vnd. Dữ liệu thị trường, cho thấy tranh của danh hoạ Lương Xuân Nhị đang tăng giá. Sự tăng giá thấy ở ba điểm chính yêu sau:
         Tăng giá so với giá giao dịch hiện tại của tranh Lương Xuân Nhị ở thị trường trong nước;
         Tăng giá so với giá tranh của hoạ sĩ Lương Xuân Nhị giao dịch ở sàn đấu ở nước ngoài;
         Tăng giá so với giá tranh của các hoạ sĩ thời Đông Dương sống ở Pháp, do giá tranh của họ đã tăng từ trước và đang ở giai đoạn ổn định.
 
Tranh của danh hoạ dân tộc Nguyễn Tư Nghiêm có một tranh vẽ Ông Gióng, 1990, bột màu trên giấy, kích thước 25x34 cm, tranh thuộc sở hữu của nhà sưu tập Hà Nội. Theo ca-ta-lô của Millon, tranh đã có dải giá dự kiến thu về từ 4,000 eur đến 5,000 eur tương đương 110 triệu đến 140 triệu đồng, thực tế giá gõ búa là 14,000 eur, tương đương 380 triệu đồng.
          Giá tranh danh hoạ dân tộc Nguyễn Tư Nghiêm qua tay nhà đấu giá Millon tại phiên ở Melia Hà Nội,20/4/2024, đã tăng ngoạn mục. Bằng chứng là cuối năm 2023, tranh Nguyễn Tư Nghiêm ở kích thước gấp 1,5 lần mỗi chiều so với bức tranh này, đã có giá gõ búa tại Pháp, tương đương 14,000 eur. Đồng nghĩa dự báo tranh Nguyễn Tư Nghiêm ở kích thước 35x50 cm trở lên, sẽ có giá dự kiến khoảng hơn 500 triệu đồng chưa gồm phí các loại. Đó là chưa kể tới đề tài vẽ, chất liệu vẽ, thời gian vẽ.
Góc độ kinh doanh, người sưu tập ở Việt Nam sẽ không còn phải trả phí logistic, bảo hiểm, … phí khác, khi trúng đấu giá tranh thuộc sở hữu của nhà sưu tập đang lưu giữ tranh ở Việt Nam. Thông thường phí người mua đấu giá phải trả thêm bên cạnh giá gõ búa sẽ khoảng 30%-35% để tranh có thể về tới Việt Nam.
Chúng ta bái phục và cầu thị học hỏi công nghệ bán hàng của các nhà đấu giá Pháp. Đồng thời cũng phải cảm ơn người Pháp đem đến sự tự tin cho các nhà sưu tập, đầu tư nghệ thuật có tuổi đời trẻ hơn, là tay chơi mới, họ ở thế hệ 8x, 9x, 2K.
(Cát Khánh, HN, 21/4/2024)