Ô, Gióng…Gióng…Gióng – 12 Năm Hạnh Phúc (Phần 1)
 
Những thanh âm thảng thốt, ngỡ ngàng, như vọng về tiếng của người danh họa xứ Nghệ… Rồi lại bừng lên giọng cười thích thú, với ánh mắt ngỡ như của thiếu nữ 23 tuổi, cộng thêm 71 năm trải nghiệm. Thiếu nữ -  Bà Xuân Phượng, người đã nói một câu thật hay “Năm 16 tuổi tôi đã tham gia chống cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp. Năm 82 tuổi tôi được nhận huân chương cao quý này. Tôi cảm ơn và kính phục sự độ lượng của chính phủ Pháp”, huân chương cao quý nhất của nước Pháp, huân chương Hiệp sĩ Bắc Đẩu Bội Tinh đã được trao cho bà Xuân Phượng về những công lao mà bà đã đóng góp cho tình hữu nghị Việt Pháp trong hơn nửa thế kỷ qua. 
 
Vâng sáng đầu tiên của lễ Noel, ngày 25-12-2023, một vinh hạnh lớn, người viết bài ngồi bên Bà - Cô Xuân Phượng đáng kính, được nghe và cùng chia sẻ những câu chuyện văn hóa. Bắt đầu bằng câu chuyện Pho Tượng Được Cứu Khỏi Lò Bánh Trưng của cô Xuân Phượng cách này 55 năm.
 
 
Mùa đông năm 1968, nghe tin đình Liên Hiệp, có từ thế kỷ thứ 17, ở huyện Quốc Oai, Hà Tây, nơi có nhiều điều khắc cổ, bị phá dỡ làm kho thóc, biên tập viên chương trình Đất Nước Việt Nam Tươi Đẹp của đài truyền hình Việt Nam - cô Xuân Phượng, đã cùng với ê kíp quay phim của đài truyền hình, chụp ảnh của Viện bảo tàng Mỹ thuật cấp tốc về đình Liên Hiệp, mong thu hồi được những tư liệu, mẫu vật còn sót lại. Kết quả cuối cùng, họa sĩ Nguyễn bích của Viện bảo tàng mỹ thuật ra về tay không, mọi thứ đã vỡ vụn.
 
Một nhân vật thú vị, không thuộc ê kíp, cũng có mặt trên xe về đình Liên Hiệp hôm đó, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, thì ra ông được cô Xuân Phượng rủ đi cùng. Buổi trưa, cả đoàn vào nhà người dân nhờ nấu ăn, run rủi dẫn lối cô xuân Phượng ra đống củi sau nhà, củi chuẩn bị cho nồi bánh chưng đêm 30 Tết, để cô gặp “Tình yêu” theo suốt cô hơn 50 năm sau. 
 
“Một tấm gỗ nằm lăn lóc lẫn trong mấy búi rơm. Phủi bùn đất bám đầy, hé lộ một bức tượng gỗ người cưỡi ngựa đầu vấn khăn mỏ riù, tấm áo giáp bảo vệ, đôi vai lực lưỡng, một phần đầu ngựa đã bị gãy” (1) Cuộc trao đổi diễn ra nhanh chóng, bà nông dân chủ nhà đề nghị đổi bức tượng ngang bằng tiền một gánh củi. 
 
Chuyện kể tiếp, cô Xuân Phượng lặng lẽ, gói ghém kín bức tượng, không nói với ai, kể cả ê kíp, lên xe quay về Hà Nội trong im lặng, tâm trạng buồn rầu, tiếc nuối. Vào cái lúc xe cách Hà Nội tầm 15 kilômét, giọng nói ứ ớ, thảng thốt vang lên, như từ nơi xa thẳm, bằng chất giọng Nghệ, “ô, Gióng…Gióng…Gióng” của Nguyễn Tư Nghiêm đã thổi bay cái lạnh lẽo mùa đông, khi bức tượng “Gióng” được cố Xuân Phượng, lôi ra khoe. Điều đáng kể hơn tất thẩy, là cô Xuân Phượng không biết rằng, kể từ thời khắc đó, cô sẽ phải xa bức tượng “Gióng - Tình yêu” tới hơn một thập kỷ tiếp theo.
 
 
Ảnh chụp của tác giả bài viết khi được hân hạnh phỏng vấn Cô Xuân Phượng vào sáng sơm 25-12-2023 tại căn hộ nơi Cô sống bên sông Sài Gòn.
 
Phần 1 là trích đoạn từ bài viết đăng trên Tạp chí Mỹ thuật số Xuân Giáp Thìn 2024 của t.g Nguyễn Đức Tiến 
 

HN, 3/2024