Người nghiên cứu tìm kiếm thông tin trên mạng về họa sĩ Lưu Văn Sìn thì ít ỏi đến ngạc nhiên, dù ông học cùng khóa 1931-1936, trường cao đẳng mỹ thuật Đông Dương với Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí,… Tên tuổi của Lưu Văn Sìn không vang danh khi so cùng các bạn đồng môn bởi nhiều lý do, nhưng có lẽ điều cốt lõi, chính xác là tác phẩm nào làm nên tên ông thì thiếu vắng sự khẳng định của giới nghiên cứu và truyền thông từ thời Pháp thuộc tới nay.
 

 
Như vậy Lưu Văn Sìn có thể hiểu là một họa sĩ yếm thế về tài năng đương thời ông sống hay không? Cùng làm một phép thử, ngắm tranh của ông để lại cho chúng ta hôm nay.
 
Chỉ khi chúng ta che chữ ký của hoạ sĩ trên tranh đi, theo cách người nghiên cứu chỉ đưa trích đoạn của bức tranh . Bằng cách này, một người bình thường, chứ không cần viện tới các nhà phê bình mỹ thuật, nếu có những cảm xúc nhất định, thì tranh là có giá trị, bằng không thì ngược lại.

Người nghiên cứu bày tỏ rằng, cảm nhận được đầy đủ, sâu sắc nét văn hóa, đã gửi gắm vào những nét vẽ. Một trong những nét văn hóa đó là, cảm xúc hòa hợp cùng khoảnh khắc linh thiêng ở nơi đấng lãnh tụ tinh thần có thể là trời, đất, thần, phật ngự trị, có lẽ diễn ra ở những ngày đầu xuân mới. Tôi nói ngày xuân mới bởi dựa vào màu sắc trong trẻo, thuần khiết, có tính toán, đậm chất học thuật kinh viện Đông Dương, của các ông thầy Pháp theo trường phái Ấn tượng.

Ta như thấy được cái khí tiết của mùa xuân bao trùm lên chiếc cổng cổ kính dẫn lối vào mái hiên, nơi thờ tự đấng thần linh nào đó, rồi cả trên cái dáng vẻ của thiếu phụ và đứa trẻ trong y phục trang trọng, nền nã, tươi mới. Cả bầu không gian khắc họa bằng sự xanh ngát, khẳng khiu, thanh tịnh của cây cối… làm quên đi cái sự nặng nề, trầm uất cố hữu của nhưng nơi thờ tụng thần, phật.

Sắc son nơi tấm áo đứa trẻ, theo chân thiếu phụ, nó là hiện sinh của mầm sống mãnh liệt, tinh khiết nhất khi tới ngưỡng cửa thần phật, “nhân chi sơ tính bản thiện”. Hiển hiện phía trước một sắc son như thế dưới mái ngói cũ cổ kính, mà người xem dễ thấy sự ám chỉ, về những điều linh thiêng, sơ cổ, thuần khiết nhất trong mỗi tâm hồn, mỗi hy vọng, của từng người dân Việt trong ngày Tết đến xuân về.

Bức tranh được họa sĩ vẽ trong thập niên cuối đời, ông mất khá sớm, 1983. Người nghiên cứu được tiếp cận với những tài liệu thư viết giữa cha Lưu Văn Sìn và con – liệt sĩ Lưu Tất Đạt, viết ở những năm 1960. Để khi ngắm bức tranh, như hiểu hơn về khát khao của ông, họa sĩ Lưu Văn Sìn. Người con trai duy nhất của ông, đã mãi mãi không trở về, bởi chiến tranh. Xin trích một đoạn thư của liệt sĩ Lưu Tất Đạt gửi cho cậu, mợ (một cách gọi của người thị thành thời xưa khi xưng thưa với bố mẹ):

“Anh H có nói… mợ có bị đau bụng và gầy hơn trước…vậy mong cậu mợ thời gian tới giữ gìn sức khỏe sao cho tốt hơn, thực ra với con hiện nay không sao có thể về nhà giúp đỡ được cậu mợ gì cả! Mong cậu mợ thông cảm. Khi nào trên mảnh đất tổ quốc không còn bọn giặc Mỹ nữa, lúc đó gia đình ta sẽ lại được xum vầy! Và lúc đó con của cậu mợ mới có thể đền đáp được công ơn và báo hiếu được với cậu mợ…”

Gần 50 bức thư giữa cha con họa sĩ trong gần 10 năm liệt sĩ ở chiến trường, nhiều sắc thái cảm xúc, mà người nghiên cứu nhận ra ở những nét màu và hình trong tranh của Lưu Văn Sìn. Thêm chút chia sẻ, họa sĩ Lưu Văn Sìn đã không được nhận vào biên chế, bởi những lý do nào đó…, càng làm cho đời sống vật chất của ông bà Sìn thêm một suy tư sâu sắc,…, để mãi sau này, khi ông không còn, người vợ ông, đã được Nhà nước trao Bà mẹ Việt Nam anh hùng đợt đầu tiên.

Hôm rồi, một nhà sưu tập chia sẻ những bức tranh, những bức thư của gia đình họa sĩ, mà đã sưu tập vài chục năm trước, người nghiên cứu, cảm xúc và thấy rõ những nét văn hóa thuần Việt bừng lên nơi những tấm tranh. Vâng không gì hơn, ngoài cảm giác yêu hơn những giá trị văn hóa thuần Việt cổ sơ nhất.

(Cát Khánh, Hà Nội, 1/2024)