Ảnh 1: Nguyên mẫu tượng điêu khắc hown 300 năm
tại mái đình Liên Hiệp, Quốc Oai, Hà Tây cũ, thời Hậu Lê
thờ tướng quân Hoàng Đạo, thời Hai Bà Trưng, ảnh chụp tại tư gia cô Xuân Phượng
Người viết bài tiếp tục bị thôi thúc bởi câu hỏi “Tại sao họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm lại gọi tượng gỗ sứt mẻ là Gióng, phải chăng trước đó, trong tìêm thức, ông đã ghi đậm, đã đang tìm tòi về hình tượng cổ mẫu tinh thần dân tộc Việt là Thánh Gióng?”. Cô Xuân Phượng kể, rồi sau cái lần đó, lần lượt những tác phẩm Ông Gióng bằng sơn mài, giấy dó của Nguyễn Tư Nghiêm xuất hiện, làm xôn xao cả giới mỹ thuật lúc bấy giờ.
Người viết bài đọc một tài liệu, cho thấy, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm đã trình làng 17 tranh Ông Gióng, sáng tác từ năm 1970 trong tổng số 120 tranh ở triển lãm cá nhân đầu tiên của ông, do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức vào năm 1985,vậy là khớp với thời gian câu chuyện bức tượng “Gióng” của cô Xuân Phượng. Tượng “Gióng”, điêu khắc cổ gần 400 năm trước của đình Liên Hiệp, là mạch nguồn cổ mẫu, kích hoạt tình yêu nguyên sơ  trong Nguyễn Tư Nghiêm.
Điêu khắc đình làng đi ra từ làng quê Việt, nhà nghiên cứu Thái Bá Vân viết đầu thập niên 1970, rằng điêu khắc đình làng Việt bị “bỏ quên” trên cả bình diện nghiên cứu và sách báo từ thế kỷ trước cho tới tận cuối thập niên 1960, để rồi đình Liên Hiệp, thờ tướng quân Hoàng Đao, thời Hai Bà Trưng, bị phá dỡ làm kho thóc, chỉ như hệ quả của sự “bỏ quên”.
Tiếp tục câu chuyện với bác sĩ - đạo diễn phim chiến tranh- nhà văn- cô Xuân Phượng. 54 năm tượng cổ “Gióng” đi theo suốt cùng cô từ Bắc vào Nam, dù khi đặt trên chiếc tủ gỗ mối mọt hay tận sau này trong tủ kính máy lạnh chạy suốt năm. Thô, mộc, nhẹ bẫng, vẫn là thứ cảm giác có được khi chạm, ôm ấp bức tượng :Gióng”. Khuôn mặt chất phác, tinh quái, hồn nhiên sau từng vết rừu, vạc vào mặt gỗ cổ, như một thứ ảo ảnh thôi thúc người viết bài làm một việc: Tìm kiếm tư liệu ảnh chụp điêu khắc đình Liên Hiệp, mà phải là trước cái năm nghiệt ngã phá đình làm kho thóc. 
 
Ảnh 2: Tư liệu ảnh chụp tượng của nhiếp ảnh gia Lê Vượng, trên mái đình Liên Hiệp,
trước khi bị phá làm kho thóc năm 1968
Cuộc sống như một sự sắp đặt, tấm ảnh tư liệu của nhiếp ảnh gia lê Vượng chụp đúng chân dung bức tượng “Gióng”, tại vị trí trên mái đình Liên Hiệp, thời điểm trước lúc bị phá dỡ, đã được tìm thấy. Mừng rỡ vô cùng, người viết bài chỉ dám khoe với cô Xuân Phượng và xin phép cô giữ kín thông tin cho đến khi bài viết được đăng báo Xuân Giáp Thìn, 2024.
Người viết bài sẽ không bao giờ quên được buổi sáng vinh hạnh ấy, sáng đầu tiên của lễ Noel 2023, được cô Xuân Phượng - người phụ nữ thuốc nổ, người làm trong xưởng chế thuốc nổ của giáo sư Trần đại Nghĩa ở rừng thẳm Việt Bắc chống Pháp. Ở tuổi 94 mà cô vẫn tràn năng lượng tươi mới, tiếp tục câu chuyện tượng “Gióng” họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm.
“ “ Hay chị cho tôi mượn một thời gian?”. Cái nhìn thật thiểu não làm tôi động lòng. “Thôi tôi cho anh mượn. Một thời gian thôi đấy nhé”. Anh gật đầu lia lịa, ôm chầm pho tượng, bước xuống xe, chạy tọt vào cổng, không kịp cảm ơn chú lái xe…”. Những hình ảnh, lời đối thoại từ quá khứ năm 1968, trước cửa căn nhà số 65 Nguyễn Thái Học giữa Xuân Phượng và Nguyễn Tư Nghiêm.
“Một thời gian thôi đấy nhé” bằng hẳn 12 năm. 12 năm có người ôm nỗi nhớ da diết bức tượng “Gióng”. 12 năm có người hạnh phúc ôm ấp “Gióng”. 12 năm đó làm nên một biểu tượng mới góp vào nền mỹ thuật Việt Nam – “Ông Gióng”.
Người viết bài đọc số liệu từ vựng tập triển lãm mỏng dính in năm 1985, chỉ có 15  tranh tiêu biểu được in, thì có tới ba tranh Ông Gióng vẽ bột màu. Và Nguyễn Tư Nghiêm lựa ra 12 tranh Ông Gióng bột màu trên giấy mà ông đang sở hữu, để triển lẫm, so với tổng số tranh trưng bày là 120 tranh. Những con số biết nói, nói đúng cảm xúc thăng hoa sáng tạo của người họa sĩ xứ Nghệ tài hoa. 
Ơn nghĩa 12 năm, 12 cái Tết, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm tới nhà Xuân Phượng tặng một tranh con Giáp. Gặp thì trao trực tiếp, không gặp thì cài bức tranh vào tấm líêp cửa bằng cót ép, cô nhớ mãi câu phân trần bằng giọng Nghệ “tôi mắc bịnh, hê đến chỗ đông người là chóng mặt chị ạ”
Ảnh 3: Cô Xuân Phượng và tượng gỗ “Gióng” và bức tranh Ông Gióng, 1972
Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm sống ẩn dật như một vị thầy tu theo đúng nghĩa và ông cũng rất hiếm khi tặng tranh cho ai, vì thế chẳng mấy ai có được tranh của ông. Cô Xuân Phượng kể, hễ cô có tranh Nguyễn Tư Nghiêm là có người hỏi xin, ví như họa sĩ Phan Kế An, họa sĩ Diệp Minh Châu, họa sĩ Phan Văn Giáo, nhà văn Nguyễn Tuân, nhà thơ Hoàng Trung Thông, nhạc sĩ Hoàng Vân,…
Rồi cái quy luật Đông y Ngũ hành vận đúng với Nguyễn Tư Nghiêm, một vòng 12 năm, 12 con giáp, để khởi một sự mới, bức tượng quay về với ân nhân đã cứu “Gióng” khỏi ngọn lửa nồi bánh chưng năm nào. Chúng ta cùng nghe đoạn trích: “Như tìm lại được người thân tôi với tay ôm phắt pho tượng vào lòng. Anh Nghiêm đến gần giọng trầm hẳn: “Chị Phượng thông cảm, tượng này sống với tôi đã bao năm, tôi yêu nó lắm chị à!…” Cô Xuân Phương đã nhận lại bức tượng “Gióng” trong những thứ cảm xúc nhớ thương lẫn lộn.
“Cô yêu văn hóa dân tộc mình lắm”. Ở vai trò biên tập viên chương trình Đất Nước Việt Nam Tươi Đẹp, cô Xuân Phượng đi xem nhiều đình làng, làng nghề, chùa, thường mỗi nơi đến ba, bốn bận, thậm chí ở cả tuần mới thấm được văn hóa nơi đó, để viết kịch bản, quay phim cho hay được. 
“Cô thường hay rủ anh Nghiêm, anh Hoàng Vân, anh Lê Bích trong những chuyến đi làm phim. Ngày đó, anh Nghiêm không được đi công khai, lặng lẽ mà đi. Cô dặn anh Nghiêm ra đầu hè, xe tới là lặng lẽ leo lên đi, ai biết đâu.
Trở lại ba từ “GIÓNG…GIÓNG…GIÓNG” thốt ra của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm trên chiếc xe commang-car, bên bức tượng cổ “Gióng” năm 1968. Không gì biện giải hợp lý hơn, rằng đó là câu nói đi ra từ trực giác của người nghệ sĩ, thứ trực giác được bồi đắp bởi tiềm thức và trải nghiệm sống.
Như chính ông đã nói trong một vài tài liệu về việc từ thập niên 1950, họa sĩ bắt đầu vẽ Ông Gióng, nghiên cứu - chép vốn cổ đình làng Việt. Sự tích tụ của Nguyễn Tư Nghiêm bằng tri thức hiểu biết, bằng đam mê tạo hình, cho đến khi ôm tượng “Gióng” vào lòng, thì nó giống như một thứ thần dược, kích thích tư duy thẩm mỹ cổ sơ nhất trong ông.

Theo góc quan sát riêng của người viết bài, với hơn 50 năm theo đuổi vẽ Ông Gióng, thì có thể khái quát Nguyễn Tư Nghiêm đồng thời, xoay quanh hai nét Vuông và Tròn để vẽ Ông Gióng., nó được ghi dấu ở các tài liệu, các tác phẩm tin cậy, mà chúng ta còn tìm thấy. Vuông ở những sáng tạo lập thể, Tròn ở những sáng tạo - chép vốn cổ.

(mời đọc tiếp phần 3)

(Cát Khánh trích bài viết của tác giả NĐT trên tạp chí Mỹ thuật Việt Nam, số tháng 1-2/2024, Xuân Giáp Thìn)