Điêu khắc Đình làng kế thừa liên tục nghệ thuật Lý, Trần, Mạc, tới cực thịnh thời Hậu Lê và đương nhiên có cá tính tạo hình. Ở hình thái Cổ điển, “hiệu quả mang tính mặc định, là tóat ra sự trang nghiêm, lặng lẽ, không xúc động cụ thể, có thái độ trung dung của mọi thời. Hôm nay ta có thể đấy nhan nhản khắp thế giới hay phảng phất trên Phật Di Đà của chùa Phật Tích, đã biến đâu mất cái điêu khắc Đình làng” (2). Điêu khắc đình Thổ Tang, Chu Quyến có người đi cày, đình Tây Đằng có bổ củi, chèo thuyền ngắm cảnh, gánh con, cảnh tình tự, đình Thạch Lỗi có bế con,đình An Hòa có chọi gà, đình Liên Hiệp có chọi trâu, đình Hoàng Xá có đánh vật, hát à đào, chuốc rượu, đình Hoàng Sơn có bơi thuyền, đình Ngọc Canh có uống rượu, đánh cờ, ngày hội. Người thợ chạm Đình làng, mà theo nhà sáng lập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - Nguyễn Đỗ Cung và Tổng thư ký Hội mỹ thuật Việt Nam – họa sĩ Trần Văn Cẩn đã từng viết thì họ là những nghệ sĩ lớn của nghệ thuật điêu khắc Đình làng.
Một tấm điêu khắc mở ra nhiều chiều, khác với lối điểm mắt cố định Cổ điển. Hình không còn lặng lẽ trong đường viền tĩnh tại, nét không còn trơn chảy liên tục. Điêu khắc Đình làng lấy các hành động theo nhịp làm cấu trúc của mỹ thuật điêu khắc. “Ở đó, các khối, doãi ra, rồi rút lại, cảm giác trăn trở và không thấy lặp lại hình mẫu có sẵn nào. Khối không còn lặng như tờ trong đường viền rạch ròi, mà trở động, vừa gấp vừa lỏng, như trong đời sống tự nhiên.” (2) Nét thì dồn gấp theo nhịp rồi đột ngột ngưng gãy không thấy giới hạn đường biên hình nó đối ngược với lối trơn tru, lề thói học viện.
Không gặp được ở điêu khắc Đình làng những chi tiết đẹp hoàn chỉnh, đứng kiểu “em xinh em đứng một mình”. Ở đây mang hơi thở cộng đồng làng xã, nên là cấu trúc hình, là kết cấu chung của những chi tiết hợp lại, hàm chứa chung một giá trị. Ví như không thể tách bàn tay xòe đang nâng ly rượu ở đình Ngọc Canh, ra khỏi cái nhịp điệu say sưa của hai người đàn ông đang vui. Ví như không thể tách cánh tay dài nghêu, nhỏ xíu của Cô tiên ở đình Thổ Tang, khỏi tư thế cơ thể biểu hiện nhục cảm (như tách ở Quan Âm Bút Tháp), bởi người xem sẽ bị ngắt mạch cảm xúc.
Căn cứ vào cấu trúc tạo hình điêu khắc Đình làng, thì người thợ điêu khắc thấu hiểu luật lệ, quy tắc tạo hình Cổ điển, như lối diễn đường hình chạm khắc Rồng ở đình Vị Hạ, Tiên cưỡi rồng, bông sen ở đền Vua Lê… Những nghệ sĩ lớn điêu khắc, đã cố tình vượt qua nó bằng các kỹ thuật như đường viền cởi mở, bố cục dàn đều ở nhiều điểm mắt, giúp bỏ sự đăng đối dọc ngang trên dưới, tạo hình chuyển động bằng cách tạo các lớp khối xếp dồn, bề mặt các khối thô, tạo cảm giác nhịp xoáy nhanh, chậm bằng cách tận dụng kết hợp của ánh sáng, bóng tối, với sự tương phản của các bề mặt u, hốc điêu khắc. Thang bậc đậm, nhạt sáng tối của ánh sáng rất giàu có trên các điêu khắc Đình làng. Phương tây ca ngợi những kỹ thuật bác học đối chọi ánh sáng và bóng tối như Rembrant (thế kỷ 18), kỹ thuật tối trong tối kĩ như Leonardo de Vinci (thế kỷ 16), thì chúng ta thỏa mãn con mắt ở đình Tây Đằng, Thổ Tang, Đông Viên,…
Như các nhà nghiên cứu ở Viện nghiên cứu Mỹ thuật đã viết ra từ thập niên 1970, điểm nhấn là 1972, khi đó có cuộc ra mắt cuốn sách Điêu khắc Dân gian Việt Nam và Triển lãm Điêu khắc Đình làng của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, thì bắt đầu khởi một giai đoạn kéo dài tới hôm nay, với những nghiên cứu và phát triển diễn giải về vốn Văn hóa cổ điêu khắc Đình làng bằng nhiều phương tiện khác nhau, trái ngược với cả gần trăm năm trước, điêu khắc Đình làng bị lãng quên.
(Còn Tiếp)
Phần đăng trên đây là một phần của bài nghiên cứu có tiêu đề ĐIÊU KHẮC ĐÌNH LÀNG - DIỄN ĐẠT QUA TRANH MÚA CỔ của người nghiên cứu Nguyễn Đức Tiến. Bài nghiên cứu này sau đó được lọc chọn kỹ càng ngắn gọn, đăng trên báo Nhân Dân số thứ 2, trang 5, ngày 11/12/2023 với tiêu đề Từ Điêu Khắc Đình Làng Đến Kiệt Tác Sơn Mài Múa Cổ.