CHUYỆN NỐI TIẾP SAU CHÂN DUNG ÔNG THỤY KÝ CỦA DANH HỌA NGUYỄN SÁNG


Một bức chân dung từ rất sớm, từ năm 1945, khi danh họa Nguyễn Sáng mới ‘học xong’ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Nhà NCMT Quang Việt viết rằng đây là bức chân dung điển hình cho “phong cách nhà trường”, các ông thầy Pháp về Ấn tượng đào tạo họa sỹ Đông Dương như Joseph Inguinberty. Art Dealer đồng ý nhận định này. Nhưng còn thiếu một điểm, đó là màu hiện đại, một thứ màu của Picasso thuộc giai đoạn Xanh, người ảnh hưởng lớn đến Nguyễn Sáng.

Trở lại chuyện gia đình ông Thụy Ký, tôi mới chỉ sưu tầm được chút ít như sau: Ông Thụy Ký khởi nghiệp bằng nghề in, làm xưởng in. Mối giao duyên của ông Thụy Ký với ông Nguyễn Sáng như nào để bức tranh được vẽ thì tôi chưa tường. Gia đình ông Thụy Ký ở phố Hàng Gai, đến giai đoạn cải tạo công thương, công tư hợp doanh thì ông Thụy Ký làm một thời gian rồi chuyến nghề sang kinh doanh các mặt hàng thủ công như bao nhà trên con phố Hàng Gai… Nghề cuối cùng mà gia đình con ông Thụy Ký làm là bán các đồ lụa tơ tằm, thêu ren, tranh sơn mài, khách sạn…

Người con trai của ông Thụy Ký là anh Bằng, tôi quen thông qua một người bạn. Anh có khuôn mặt giống tựa ông Thụy Ký. Phong cách giao tiếp nhẹ nhàng lắm, còn kín đáo nữa. Khi tôi tới chơi những năm 2013 vẫn đang kinh doanh hai mặt hàng chủ yếu là đồ thêu ren bán cho người nước ngoài và tranh sơn mài hiệu đề Thụy Ký. Những bức tranh sơn mài thường vẽ về đề tài như Lễ Hội, Rước Trạng Nguyên, khổ lớn một tấm dài hai ba mét. Thời điểm năm 2013 thì mỗi bức tranh đó anh bán ra giá hữu nghị khoảng 100-110 triệu đồng/ tranh. Tranh được trực tiếp làm tại nhà của ông Thụy Ký – anh Bằng, trên sân thượng, quay ra mặt đường nhìn xuống con phố Hàng Gai sầm uất. Mãi sau khi quen anh một thời gian, anh mới dẫn lên gác xem xưởng tranh của anh. Giai đoạn đó tôi cũng có đến đây một vài lần mua vàng quỳ vì chất lượng tin cậy.

Gia đình ông Thụy Ký rất nền nếp. Khi tôi bước chân vào nhà anh Bằng, chào hỏi, thì việc đầu tiên là anh đưa tôi tới chào mẹ anh (vợ ông Thụy Ký) giới thiệu tôi là ai, ở đâu, bạn của ai đưa tới… bà mẹ anh người Hà Nội cổ, rất nhẹ nhàng hỏi han…Lúc này thì ông Thụy Ký đã mất. Gia đình có khoe là có bức chân dung của một họa sỹ nổi tiếng thời Đông Dương là ông Nguyễn Sáng vẽ ông Thụy Ký. Thời điểm đó thì anh Bằng lo việc làm tranh sơn mài hiệu Thụy Ký và bán còn mảng kinh doanh tơ lụa, thêu ren xuất khẩu hay cho du khách do vợ anh đảm trách. Anh khoe là tranh của anh hay được các anh lãnh đạo TW mua để ngoại giao, trưng bày.

Bước ngoặt lần nữa lại đến với gia đình ông Thụy Ký đó là khoảng năm 2014-15, gia đình anh Bằng xin giấy phép và xây dựng căn nhà hai tầng cổ thời Pháp thuộc thành khách sạn. Xây khách sạn cao tầng ở phố cổ là chuyện kỳ công, không chỉ có mỗi tiền đâu. Nghe nói anh cũng lựa chiều là sát vách nhà anh có người nhà của ông bên CA thành phố cũng xây, để quyết tâm làm. Rồi chợt một hôm anh bạn tôi thông báo, anh Bằng mất rồi, ngoài 50 tuôi thôi, khách sạn còn chưa kịp xây xong. Thôi thế là ước mong cả một đời lại chưa cho con ông Thụy Ký kịp hưởng. Nghe nói sau khi khách sạn xây xong, gia đình ông Thụy Ký ở tại đó có vợ ông và người con dâu tiếp tục kinh doanh khách sạn và đồ thêu ren vài năm. Còn nghề làm tranh sơn mài hiệu Thụy Ký thì bỏ vì anh Bằng mất rồi. Đến nay thì đã nhượng và chuyển đi ở cách đó vài phố.

Hỏi thông tin từ người làm công cho hiệu sơn mài Thụy Ký (nay đã ra mở xưởng riêng) thì ở thời điểm sau khi con ông Thụy Ký là anh Bằng mất, bức tranh vẫn còn ở gia đình. Tới nay bà cụ, vợ ông Thụy Ký vẫn còn sống và ở cùng con dâu trong khu phố cổ. Còn bức tranh vẽ ông Thụy Ký bởi họa sỹ Nguyễn Sáng được gia đình còn giữ hay không thì tôi chưa tường.

(Cát Khánh sưu tầm, 11/2023)