Bức tranh tổng thể đóng góp cho kháng chiến được gộp thành bởi 3 mảnh ghép chính:
1/Mảnh ghép thứ nhất là giai đoạn Phân tán 1945-1948, họa sĩ Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tự nguyện đi theo Kháng chiến ở các Liên khu;
2/Mảnh ghép thứ hai là giai đoạn Hợp nhất và Tập trung 1948-1954;
3/Mảnh ghép thứ ba là giai đoạn 1950-1954 sự ra đời của lớp họa sĩ Trường Mỹ thuật 1950-1954;
 
Người nghiên cứu mỹ thuật đọc các tài liệu như cuốn Lớp hội họa kháng chiến ở liên khu V, 1948, của Hội Mỹ thuật Việt Nam xuất bản 2006, và cuốn Dưới mái trường mỹ thuật thời kháng chiến, t.g. Ngô Mạnh Lân xuất bản 2004, nay chia sẻ đôi điều, với minh họa dùng các bức tranh của họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung giai đoạn kháng chiến chống Pháp.
 
 
Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung là một trong bao họa sĩ được vào Bắc Bộ Phủ vẽ Bác Hồ năm 1946, ông đã làm tranh khắc gỗ. Tranh thuộc bộ sưu tập củ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
 
GIAI ĐOẠN PHÂN TÁN KHÔNG CÓ TỔ CHỨC MỸ THUẬT TOÀN QUỐC
 
Sau ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, nhiều họa sĩ nhà điêu khắc đã tỏa đi khắp các liên khu lên Việt Bắc, vào miền Trung, vào Nam Bộ, họ tự nguyện tham gia vào các tổ chức kháng chiến, chứ chưa có một tổ chức thống nhất nào chung qui tụ các họa sĩ , nhà điêu khắc, cụ thể:
 
- Ở Việt Bắc có họa sĩ Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Khang, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn sáng, Phan Kế An, Trần Đình Thọ, Tạ Thúc Bình, Tạ Thúc Bình, Bùi Trang Chước, Phan Thông, Quang Phòng… ở Quân đội có Mai Văn Hiến, Nguyễn Bích, Nguyễn Đức Toàn…
- Ở khu 3, khu 10, khu 11` có họa sĩ Lê Quốc Lộc, Lương Xuân Nhị, Huỳnh Văn Thuận, Lê Phả, Mai Văn Nam, Nguyễn Xuân
- Ở khu 4 có họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Sỹ Ngọc, Văn Bình, Nguyễn Đức Nùng, nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim…
- Ở khu 5 có Nguyễn Đỗ Cung, Văn Giáo, Hoàng Kiệt, Dương Hướng Minh, Vương Trình, Song Văn, nhà điêu khắc Trần Văn Lý…
- Ở Nam Bộ có Diệp Minh Châu, Huỳnh Văn Gấm, Nguyễn Cao Thương, Nguyễn Hiêm, Trần Văn Lắm, Phi Hoanh, Trần Thanh,…
 
 
GIAI ĐOẠN HỢP NHẤT & TẬP TRUNG TỔ CHỨC MỸ THUẬT TOÀN QUỐC
 
Năm 1948, lần đầu tiên có Đại hội Văn hóa toàn quốc, diễn ra từ 16 đến 20/7/1948 với hơn 200 đại biểu  giới Văn hóa, Văn nghệ. Nhóm đại biểu đại diện cho mỹ thuật có 11 đại biểu tham dự là Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Nguyễn Văn Tỵ, Trần Đình Thọ, Phạm Văn Đôn, Phan Kế An, Dương Bích Liên, Lê Phả và Mai Văn Hiến.
 
Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Hội văn nghệ Việt Nam gồm 17 người, trong đó có 3 ủy viên ngành mỹ thuật gồm họa sĩ Trần Văn Cẩn đại biểu ngành Mỹ thuật, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung đại biểu cho Nam phần Trung bộ, họa sĩ Huỳnh Văn Gấm đại biểu cho Nam Bộ, mặc dù hai họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung và Huỳnh Văn Gấm không ra dự đại hội được.
 
Ngày 14/9/1948 chính phủ cử ông Tô Ngọc Vân tổ chức lại trường Cao đẵng Mỹ thuật.
 
GIAI ĐOẠN SỰ RA ĐỜI CỦA TRƯỜNG MỸ THUẬT KHÓA KHÁNG CHIẾN 1950-1954
 
Theo Nghị định số 605-NĐ của Bộ Quốc gia Giáo dục do ông Nguyễn Văn Huyên ký ngày 1/8/1950 về việc thành lập Trường mỹ thuật do họa sĩ Tô Ngọc Vân làm Hiệu trưởng. Trường đã tuyển sinh hai đợt.
 
Theo cuốn Trường đại học mỹ thuật Hà Nội 1925-1990, danh sách các sinh viên tốt nghiệp gồm: Ngô Tôn Đệ, Lê Huy Hòa, Trần Đông Lương, Lưu Công Nhân, Mai Long, Trọng Kiệm,…, tổng cộng 21 người, do các giảng viên nổi tiếng tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương dạy như: Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Khang, Nguyễn Sỹ Ngọc,…
 
LỚP HỘI HỌA KHÁNG CHIẾN Ở LIÊN KHU 5 - 1948 CÙNG HỌA SĨ NGUYỄN ĐỖ CUNG
 
Tháng 1/1948 Liên khu ủy khu 5 chủ trương mở một lớp hội họa ngắn hạn nhân dịp họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung từ Hà Nội vào công tác. Lớp kéo dài 4 tháng từ 3 đến 6/1948 ở vùng tự do do Việt Minh kiểm soát là Quảng Ngãi, Bình Định và phần lớn tỉnh Phú Yên.
 
 
Đây là bức tranh bột màu vẽ cảnh Du Kích La Hai Tập Bắn của họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
 
Danh sách học viên có 9 người: Hoàng Mạnh, Nguyễn Huynh, Đường Ngọc Cảnh, Nguyễn Vinh, Phạm Hổ, Lê Sanh, Hồ Quảng, Vũ Trung Lương, Trương Qua. Thầy giáo là họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung.
 
Họa sĩ Hồ Quảng là trẻ nhất, nhưng sau này ông lại là người được họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung tin cậy giới thiệu cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chép lại tranh của mình, khi vào 1964, Mỹ bắt đầu đánh bom, và Bảo tàng có chủ trương chép lại tranh. Hồ Quảng đã chép lại một tranh bột màu là Du kích La Hai tập bắn và tranh sơn dầu mà họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung vẽ cảnh người công nhân đang quai búa trong công xưởng (trích nguồn trang 62 cuốn Lớp hội họa kháng chiến Nguyễn Đô Cung ở liên khu 5 – 1948.)
 
 
Tác phẩm Bồng Sơn Chiến Đấu, bột màu, vẽ cảnh bộ đội ta chiến đấu chống Pháp tại liên khu 5 khu vực Nam Trung Bộ của họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, nay thuộc bộ sưu tập tư nhân. Người nghiên cứu đứng chụp hình cùng con trai họa sĩ,
TS-PGS Nguyễn Đỗ Bảo tại nhà cố họa sĩ phố Hàng Hành, Hà Nội
 
 
Tác phẩm Công Xưởng Vũ Khí Liên Khu 5, bột màu, 1948, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung vẽ trong thời gian mở lớp  hội họa Kháng chiến.
Tranh thuộc bộ sưu tập của nhà sưu tập Hà Nội.
 
Trong lớp còn có Vũ Trung Lương, người đã thọ giáo họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung 2 năm 1942-1943 tại một trường tư thục ở cố đô Huế. Rồi sau đó thầy cùng trò gặp lại nhau ở liên khu 5. 1947, nguyên cố thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc đó là đại diện chính phủ ở liên khu 5 đã ghi nhận: Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung là Chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa.
 
Người nghiên cứu còn có may mắn được chạm, ngắm hai bức tranh bột màu vẽ đúng năm kháng chiến chống Pháp ác liệt ở liên khu 5 của họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung và chụp ảnh chung cùng con trai họa sĩ, TS-PGS Nguyễn Đỗ Bảo. Hai bức tranh trải qua 76 năm mà màu sắc vẫn như mới.
 
 
Đây là bức tranh thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, mà theo họa sĩ Hồ Quảng rằng ông đã được giao chép lại cho Bảo tàng
với sự đánh giá của họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung
 
 
Tác phẩm điêu khắc chân dung họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung do học trò dự thính khóa Kháng chiến là nhà điêu khắc Cần Thư Công đang trưng bày ở nhà cố họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung. Và một bức tranh vẽ Biển Sầm Sơn Nhìn Từ Đền Độc Cước của họa sĩ năm 1976, khi ông đi nghỉ an dưỡng lần cuối, trước khi ông mất năm 1977.
 

(Hà Nội, 7-5-2024, Nhân kỷ niêm 70 năm Chiến thắng Điên Biên Phủ, NNC Nguyễn Đức Tiến)