ĐẦU RỒNG NGẬM CHỮ THỌ, thuộc văn hoá mỹ thuật cổ Việt Nam, được coi là một biểu tượng đặc trưng của quyền uy và sự trường tồn.
 
TRIẾT LÝ & TÍN NGƯỠNG
Biểu tượng chứa đựng triết lý sâu sắc về sự kết hợp giữa quyền lực và thần linh, là một trong những nền tảng quan trọng của văn hóa cổ Việt Nam.
Thực tế tới tận hôm nay, chúng ta vẫn thờ Thánh Gióng, Lạc Long Quân và Âu Cơ, Thần Tản Viên,…, đều là các biểu tượng mang tính thần thánh , không thực, để làm chỗ dựa về tinh thần dân tộc.
Đầu rồng ngậm chữ thọ mang ý nghĩa tín ngưỡng, con người mong chờ được các thần linh bảo hộ và ban cho sự trường thọ, sự phúc lành.
 
NƠI XUẤT HIỆN & TÍNH MỸ THUẬT
Trong mỹ thuật cổ, đầu rồng ngậm chữ thọ là một biểu tượng của thần linh ngự, đại diện cho sức mạnh và quyền uy tuyệt đỉnh. Hình ảnh này thường xuất hiện ở những nơi tôn nghiêm, cao quý như đền, lăng tẩm, và các kiến trúc cung đình.
Màu sắc đặc trưng của biểu tượng rồng ngậm chữ thọ thường là đỏ và vàng, hai màu sắc này được khai thác, ứng dụng trong tập tục và cả trong qui tắc ban hành trong xã hội xưa. Cụ thể là hai màu này chỉ dành cho tín ngưỡng và những nơi thiêng liêng, những tầng lớp tôn quí nhất xã hội xưa. Qui định mỹ thuật này không chỉ có ở mỗi Việt Nam mà còn thành qui định ở nhiều tôn giáo như Ki tô giáo, Hồi giáo, Đạo Giáo, Hy Lạp cổ xưa, Ấn Độ, Trung Quốc,…
Trong văn hóa phương Đông, màu đỏ biểu thị sự may mắn, thịnh vượng và sự sống động, trong khi màu vàng đại diện cho quyền lực và sự vĩnh cửu.
Đặc biệt, trong Đại Nam Khâm Định Hội Điển Sự Lệ, màu vàng chính được quy định dành riêng cho Vua và Hoàng tộc, tượng trưng cho quyền lực tối cao và sự tôn kính tuyệt đối. Sau Vua thì Hoàng hậu, Mẫu Hậu, Hoàng Tử,…
 
BIỂU TƯỢNG TREO NƠI QUYỀN LỰC
Biểu tượng này nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế gọi là La Hầu, có gốc xuất phát từ Ấn Độ và Trung Quốc.
Các nhà nghiên cứu người Pháp đã đến Việt Nam từ thời Nguyễn, vài trăm năm trước, như L. Cadier, H.Orger thì gọi các biểu tượng này là Long Hàm Thọ, Hổ Phù.
Hổ Phù là một biểu tượng treo trước nơi có quyền, có uy, nhằm gây áp đảo, cảnh báo với những người đối diện, những kẻ có ý đồ xâm phạm, và đương nhiên chỉ có những nơi tín ngưỡng tôn nghiêm, những nơi ngụ của những người cao quí, có quyền uy trong xã hội, cả khi họ sống hay đã mất.
Ví như trên trán bia của mẹ Vua Lê tại Ninh Bình có Con rồng năm móng ngậm chữ thọ. Ví như con vật đầu rồng ngậm chữ thọ trên vì nóc đầu hồi nhà Học xá tại Paris, ví như trước các hương án nơi thờ tự, ví như đầu rồng ngậm chữ thọ với hai màu Vàng Đỏ thêu trên bộ yên cương khoác trên lưng Thần Bạch Mã bày tại các nơi Miếu, Đình linh thiêng.
Trong nghệ thuật trang trí cung đình, đặc biệt là triều Nguyễn, chữ thọ xuất hiện nhiều nhất trong ba chữ Phúc-Lộc-Thọ. Các loại trang phục long bào của Hoàng đế Việt Nam cũng không thể thiếu họa tiết chữ thọ, nhằm khẳng định vị thế và sự trường tồn của triều đại.
 
BIỂU TRƯNG TÍN NGƯỠNG PHÚC LÀNH
Theo triết lý Đạo Giáo và Đạo Phật, sự kết hợp của đầu rồng ngậm chữ thọ không chỉ biểu trưng cho quyền lực mà còn mang ý nghĩa về sự bảo hộ, sự trường thọ và phúc lành.
Rồng là linh vật tối thượng, biểu tượng cho sức mạnh của trời đất, trong khi chữ Thọ đại diện cho sự sống trường tồn, sự vĩnh cửu. Sự kết hợp này thể hiện mong muốn đạt được sự hòa hợp và thịnh vượng vĩnh cửu.
Rồng ngậm chữ thọ còn được coi là một loại hổ phù nhằm xác lập vị trí uy quyền, là nơi nhận được sự tôn kính tối thượng.
Biểu tượng rồng ngậm chữ thọ không chỉ là một phần của nghệ thuật trang trí mà còn chứa đựng triết lý về sự kết hợp hoàn hảo giữa quyền lực và sự bảo hộ của thần linh. Đó là sự kết tinh của văn hóa, triết lý và nghệ thuật, thể hiện mong muốn về một cuộc sống thịnh vượng và trường thọ, một biểu tượng vĩnh cửu trong lòng người Việt.
 
(Nguyễn Đức Tiến, 23-5-2024)