So sánh tranh Mai Trung Thứ với tranh Lương Xuân Nhị
Khi nhìn vào kết quả phiên đấu giá tranh của các họa sĩ Việt Nam sống ở Châu Âu và ở trong nước, thì câu hỏi về những mức giá đã trả của những người tham dự đấu giá, dựa theo tiêu chí giá trị hay giá cả?
Ba họa sĩ Việt sống tại Châu Âu là Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm và hai họa sĩ Việt sống trong nước là Nguyễn Phan Chánh, Lương Xuân Nhị, các tác phẩm của họ đều đạt mức giá nhiều tỷ đồng trở lên, có nghĩa giá trị thương mại của các bức tranh đều cao giá. Ở đây hiểu cao giá khác với đắt đỏ.
Tạo hình mỹ thuật các tác phẩm gói gọn trong hai đề tài, một là chân dung một hoặc vài thiếu nữ đang cảnh sinh hoạt đời thường, hai là tĩnh vật hoa.
Tranh của họa sĩ Mai Trung Thứ vẽ chân dung hai thiếu nữ bên cơi trầu, người ngắm mây, người đọc sách. Tranh đạt mức cao nhất 828.420 euro khoảng 22,3 tỷ đồng. Tạo hình mỹ thuật rõ vẻ bậc thầy, những nét vẽ thân hình quyến rũ, đài các về khung cảnh với nhân vật, làm nên không gian bay bổng, mơ màng. Kỹ thuật màu của ông cũng tuyệt hảo.
Câu hỏi những thiếu nữ và cảnh quan, vật dụng bài trí có thể hiện những nét văn hóa thuần của người Việt Nam xưa không? Câu trả lời sẽ nghiêng về phía từ "Có".
Câu hỏi tiếp theo là chúng ta có thường thấy cảnh này trong sách báo hay phổ cập đời thường ở Việt Nam không? Câu trả lời sẽ nghiêng về phía từ "Không".
Lý giải chỉ có thể là họa sĩ đã tưởng tượng, có thể hồi nhớ về những gì ông chứng kiến trong đời sống của ông, tầng lớp giàu có thời trước 1945, và tầng lớp này cũng thật ít ỏi, hoặc cũng rất hiếm khi bộc lộ ra ngoài đời sống thực. Họa sĩ Mai Trung Thứ đi khỏi Việt Nam từ thập niên 1930. Có thể phỏng đoán, họa sĩ khi quan sát thấy những cảnh trí tương tự ở Châu Âu, ông hình dung, ám thị bằng ngôn ngữ tạo hình chứa đựng những bóng dáng thiếu nữ Việt.
Khi so sánh tương quan về lịch sử phát triển hội họa Châu Âu 500 năm tính từ thời Phục Hưng với lịch sử 100 năm hội họa Việt Nam thì tranh của Mai Trung Thứ tương đương giai đoạn tạo hình của dòng tranh Cổ điển. Và về sáng tạo thì họa sĩ Mai Trung Thứ có nét tạo hình của hội họa cổ điển. Và điều này thật may mắn hoặc giả là sự thông minh của ông, bởi nếu vẽ theo cổ điển thuần túy thì đã lạc mốt và không thể so sánh được với các danh họa hội họa Châu Âu, cho tới Nhật Bản.
Khi nghiên cứu lý thuyết về Tâm thức sáng tạo của Graham Collier, thì có thể xếp sáng tạo của họa sĩ Mai Trung Thứ vào dạng Tâm thức qui nạp, tức là sự vận hành của trí tuệ và cảm xúc trực giác. Cụ thể hơn là Mai Trung Thứ đã có những phản xạ trực giác với một ngoại cảnh nào đó ở bên Châu Âu, để ông thấu hiểu cảnh vật trước mắt có tương đồng với một cảnh vật nào đó diễn ra trong quá khứ của ông khi ở Đông Dương. Kết quả là từ trong vô thức, một cơ chế vận hành “tùy tiện” và “độc đoán”, không liên quan gì đến không gian, thời gian, nơi Mai Trung Thứ sống, trực giác của họa sĩ “thông thái xuất thần”, tạo hình nên bức tranh quyến rũ, đài các, thậm chí là không có thực ở Đông Dương nơi ông sinh ra.
Theo lý thuyết của Herbert Read, có nói về quá trình phát triển tư duy của con người, có nhắc đến Ấn tượng trực giác, thì Mai Trung Thứ đã nảy sinh ra ý đồ vẽ bức tranh, bởi sự thấu hiểu riêng của Mai Trung Thứ cộng với những giá trị của riêng con người Mai Trung Thứ. Cuối cùng, chúng ta có một kết luận rằng Mai Trung Thứ vẽ bức tranh bằng sự tưởng tượng, dựa trên trực cảm mạnh mẽ của người họa sĩ, có thể mô tả như lối tư duy tâm linh, không dựa trên trải nghiệm vật chất khách quan.
Người mua đã trả gần triệu đô la Mỹ để mua giá trị tinh thần “của riêng” Mai Trung Thứ ở một tác phẩm “thông thái xuất thần”.
Với bình diện ngoại cảnh chung của xã hội Đông Dương xưa, Việt Nam nay, thì đương nhiên tác phẩm sẽ có những giới hạn về tính phổ quát văn hóa, vì đã là “của riêng”. Và phải chăng vì tính hẹp của tạo hình trong tranh so với xã hội ta hôm nay, mà tác phẩm thành của hiếm, để được trả cao giá.
(mời đọc tiếp phần 2, phân tích về tác phẩm của họa sĩ Lương Xuân Nhị)
(Người Nghiên cứu - Nguyễn Đức Tiến, 3/2024)