Tranh Rồng, sơn mài, 1976, thuộc bộ sưu tập của nhà sưu tập Quang Phúc
 
Danh họa dân tộc Nguyễn Tư Nghiêm (1) đã trả lời phỏng vấn NNC Quang Việt, ghi trong cuốn Nguyễn Tư Nghiêm, nhà xuất bản Mỹ thuật 2019, rằng ông “chép” vốn văn hóa cổ điêu khắc đình làng thời Lê, kiến trúc thời Nguyễn. Từ “chép” đã khẳng định ông tôn trọng và tuân thủ và kế thừa chứ không bịa các vốn văn hóa cổ.
 
Khi nghiên cứu tranh của ông, chúng tôi thấy rõ những sự “chép” đó vào trong sự sáng tạo mỹ thuật của ông. Cụ thể về nhân dạng con rồng Việt là một thí dụ sinh động. Trong tư liệu vựng tập in 1985, của Hội Mỹ thuật Việt Nam, ảnh đen trắng chụp bức tranh bột màu vẽ Rồng, 1976, với những cái chân rồng, biểu hiện như chi người.
Rồng, bột màu, 1976, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, in trong vựng tập 1985 của Hội Mỹ thuật Việt Nam
 
NNC Trần Hậu Yên Thế đã viết trong cuốn Mỹ Thuật Việt Nam Nhìn Từ Phía Khác đã thống kê, phân tích, qui tắc khi chân trước hay sau của rồng giơ ra phía trước thì đều có hướng nhân dạng như tay người, và NNC đã đưa ra các bằng chứng là các bức ảnh chụp các điêu khắc đình làng Việt thời Lê hay tại sập đá đền Vua Đinh tại Ninh Bình. Đây là điểm khác hoàn toàn con rồng Trung Quốc hay các nước Đông Nam Á khác như Ấn Độ, Indonesia, hay văn hóa Champa…
 
Chi rồng nhân dạng như tay con người, điển hình của rồng từ thời Hậu Lê
 
Con rồng của văn hóa Hindu tại Ấn Độ hay Indonesia là một tham chiếu điển hình có ảnh hưởng đến con rồng Việt như trong cuốn Đình làng Việt của NNC Trần Lâm Biền có viết. Trong các nghiên cứu khác của các NNC cũng mô tả con thủy quái Makara được Nữ thần sông Hằng cưỡi hay Thần đại dương cưỡi có Răng, Đầu ảnh hưởng đến rồng Việt thời Lý, Trần và một phần đình làng thời Lê. Con thủy quái này không có chi như chân, tay người như ở con rồng Việt. Đặc biệt nữa, con thủy quái Makara của đạo Hindu thờ tự ở khắp nơi ở Ấn Độ hay Indonesia tới ngày hôm nay thì đuôi của nó còn được thể hiện là đuôi giống đuôi con cá thông thường. Riêng rồng Việt từ thời Lý tới hết thời Nguyễn không thấy có cái đuôi như vậy.
 
Trong một tác phẩm sơn mài vẽ Rồng 1976 của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm có độ tin cậy, các chân rồng đã thể hiện đúng sự “chép” theo các điêu khắc thời Lê, vẽ đúng như những chân, tay của người. Từ các nghiên cứu này, chúng tôi nhận định, danh họa dân tộc Nguyễn Tư Nghiêm sẽ không vẽ bịa, vẽ lai căng, con rồng Việt thành bất cứ con rồng của nước nào khác, ví như thủy quái Makara của các nước có tín ngưỡng theo đạo Hindu . Đuôi rồng Việt giống đuôi rồng Trung Hoa.
 
Chúng tôi xem các tranh đã in trong sách của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm khi còn sống, để tự tin nhắc lại một lần nữa, rồng của ông “chép” lại vốn cổ. Thêm một đặc điểm nữa, ông chép miệng rồng với hàm răng như rồng thời Hậu Lê có hàm răng bằng như răng người hoặc hàm răng rồng thời Nguyễn với những chiếc răng nhọn.
 
Tiên Rồng, bột màu, sưu tập cô Thu Giang vợ họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, hàm răng rồng như răng người
 
NNC Trần Lâm Biền đã viết, rồng biểu tượng là mây, đem mưa của Cha trời xuống đất Mẹ, thường bay cùng các Đao lửa biểu tượng thần Sấm Chớp, đây là tín ngưỡng thờ thần của người Việt có trước cả đạo Phật ở Việt Nam. Ở các chùa cổ vùng Bắc Ninh thể hiện thờ thần trước cả khi có đạo Phật ở Việt Nam là rất rõ, cũng được NNC Phan Cẩm Thượng viết. Và con rồng Đại Việt trên các điêu khắc đình làng nơi thờ các thánh thần sẽ là như vậy, nó khác hoàn toàn với thủy quái là con vật dưới nước.
 
Trong các cuốn sách nghiên cứu về dịch học cổ xưa ví như Tứ Trụ Bát Tự cũng nói con rồng được biểu tượng bởi đám mây bay trên vùng đất có nắng có gió…
 
Điêu khắc Tiên Rồng cổ thời Hậu Lê tại đình làng Liên Hiệp, Quốc Oai, Hà Tây cũ
 
Người nghiên cứu tới tìm hiểu một tác phẩm Tiên Rồng, bột màu, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm vẽ thập niên 1980, tại nhà sưu tập, người được giải thưởng Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội, cụ Bá Đạm, 101 tuổi, vào năm 2023
 
Người nghiên cứu tới nghiên cứu một tranh Tiên Rồng, in lưới, 1976, của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, tại nhà của nhà sưu tập Nguyễn Mạnh Phúc, vào năm 2021
 
Cuối cùng thì, sưu tập tranh Tiên Rồng hay Rồng của danh họa dân tộc Nguyễn Tư Nghiêm là đã thể hiện đang nắm giữ giá trị dân tộc Việt, và con rồng của ông không phải con rồng biểu tượng của uy quyền độc tôn như Vương, Đế mà là sự hòa đồng với nhân gian như cổ mẫu con Rồng cháu Lạc tại các Đình làng Việt.
 
Và con hơn thế nữa, thông điệp của các tác phẩm điêu khắc, tranh vẽ trong đạo Hindu xưa cổ tới nay ở Ấn Độ, Indonesia,.. với hình tượng thủy quái makara bị chế ngự bởi các vị thần như nữ thần sông Hằng, thần đại dương, hay makara trong văn hóa cổ xưa Champa, cho tới 1000 năm qua kể từ lúc có hình tượng rồng của riêng dân tộc Đại Việt từ thời Lý, Trần Lê, Nguyễn tới nay, tất cả đều mang chung một biểu hiện của triết lý tốt đẹp về một qui luật vũ trụ Sinh-Lão-Bệnh-Tử, để luôn nhắc cho chúng ta biết mình đang ở đâu trong tiến trình phát triển của thế giới cho tới gia đình và bản thân mỗi nhân quần.
 
(1): Nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị, người đã dám tuyên bố từ năm 1978, bà đã nói họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm là danh họa dân tộc ít ỏi trên thế giới. Câu nói in trong bài Gióng…Gióng…Gióng 12 Năm Hạnh Phúc của tác giả Nguyễn Đức Tiến in trong Tạp Chí Mỹ Thuật Việt Nam số Xuân Giáp Thìn năm 2024.
 

(Xin kính tặng bài viết này cho những nhà sưu tập giá trị văn hóa, NNC Nguyễn Đức Tiến, xuân Giáp Thìn, 2024)