Rồng là con vật hư cấu, phổ biến khắp thế giới. Theo NNC Trần Hậu Yên Thế, tính nhân dạng, tạm hiểu là sự biến đổi hình ảnh rồng gần gũi với hình ảnh con người, lại cực hiếm thấy dù là phương Tây hay Đông. Rồng của người Việt thế kỷ XIV-XVII xuất hiện tay và răng người.
Tại cột đá chùa DẠM thời Lý có thể thấy chi trước thành tay rồng. Sang đến thời Mạc và nhấn mạnh ở thời Lê trung hưng, sự nhân dạng rồng Việt đã xuất hiện cả ở chi sau. NNC chỉ ra qui tắc là nếu chi sau đưa ra phía trước thì chi này biến thành tay, nắm râu, nắm mây…
Cột đá chùa Dạm, điêu khắc rồng có chi cơ bắp như người
Rồng đình Phú Hữu, chi bốn móng, cẳng và cổ tay rồng như tay người
Rồng đình Vĩnh Phúc có ngón tay nắm mây điêu khắc như ngón tay người
Trên các điêu khắc đình Cổ Mễ, đình Thổ Hà, đình Chu Quyến tay của rồng có bốn ngón, nhưng rõ là bàn và ngón tay người. Tương tự như vậy với rồng tại ngai thờ hậu cung đền Vua Đinh. Một đặc điểm nhân dạng nữa của rồng Việt là nhân dạng hàm răng, của rồng thế kỷ XVII trên chạm khắc đình làng như Liên Hiệp, Đại Phùng, Hương Canh, Ngọc Canh, Thổ Hà, Tiên Canh. Con rồng trực diện có hàm răng như răng người.
Rồng đình Chu Quyến có hàm răng như người
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quân viết tranh Nguyễn Tư Nghiêm “phảng phất hoài cổ, nhưng không nệ cổ”. Màu thì “ông có màu thời gian ở màu vẽ của mình”, “có cái dày sâu của đồ gỗ cũ”. Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm nói “Trong nghệ thuật không có sự tiến bộ”, theo thiển ý của người viết bài, thì có nghĩa tranh của ông dựa trên sự kế thừa tri thức dân tộc sẵn có.
Trở lại đặc điểm nhân dạng tranh Rồng Tiên, con rồng trong tranh Nguyễn Tư Nghiêm đã giữ được đặc điểm của Rồng Việt, từ các điêu khắc đình làng, cụ thể là chi rồng và răng rồng. Chi có bốn ngón, cơ bắp, bàn tay, chân như của người. Răng đều, không sắc nhọn, cảm giác nhìn trực diện như nụ cười của người. Phải khẳng định họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm đã kiên định tính dân tộc trong tranh vẽ Tiên Rồng của ông. Bằng chứng khẳng định ở những bức tranh sớm nhất có thể thấy vẽ năm 1975, 1976. Và đương nhiên, đến hết cuộc đời ông, dù ông vẽ Tiên Rồng ở hình dạng như nào, thì những đặc điểm nhân dạng của Rồng Việt là không bao giờ sai lệch với điêu khắc cổ thời Lê, một trăm phần trăm là như vậy.
Rồng, bột màu, năm 1976, in trong sách 1994 của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm
Rồng, sơn mài, 1976, của nhà sưu tập Hà Nội, qua ảnh thì tương đồng với các tranh sơn mài có độ tin cậy cao về mặt kỹ thuật, mà người nghiên cứu chưa thể tiết lộ. Bức tranh này người nghiên cứu còn chưa thực nghiệm sờ, xem, ngửi,...
Tiêng Rồng, in lưới, 1976, xưởng in mỹ thuật Hàng Than, Hà Nội, do các chuyên gia Cu Ba hướng dẫn họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm
Tiên đình Ngọc Than, điêu khắc thời Hậu Lê thế kỷ 17-18
Bàn thêm một chút về màu, thì không phải bàn, tranh của họa sĩ đã vẽ vốn cổ dân tộc, thì màu luôn có màu thời gian, dù là họa sĩ vừa rời bút vẽ, màu vẫn có màu thời gian cổ xưa như NNC Nguyễn Quân nói ở trên, hay khi ta nhìn vào các tác phẩm có độ tin cậy, dù ở chất liệu bột màu trên giấy, in lưới hay sơn mài. Kỹ thuật tạo màu của họa sĩ thì người nghiên cứu sẽ viết ở một phần khác, trong một phỏng vấn người họa sĩ là bạn, sống cùng thời với họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm.
(Cát Khánh chép theo nghiên cứu của NĐT, 1/2024)