CHÚC MỪNG NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM, XIN CẢM ƠN CÁC CHIẾN SĨ ĐÃ VÀ ĐANG CỐNG HIẾN CHO TỔ QUỐC.
Sáng nay gặp anh bạn, lính quân đội, anh đeo trên ve áo chiếc huy hiệu kỷ niệm nho nhỏ, mặc thường phục, nom rất hồ hởi, thấy vui lây.
Tôi không được vinh hạnh có cái cảm giác của người trong quân đội hay cảm giác tinh thần đồng đội thời chiến, nên sẽ xem qua tranh, ảnh, phim.
Một người họa sĩ như nhiều họa sĩ khác, đã đi vào chiến trường, từ đánh Pháp, tới Mỹ, không thấy ông thể hiện cảnh đánh, giết khi nào, mà ông thường vẽ về hậu phương sau lưng người lính.



Lê Huy Hòa, họa sĩ khóa Kháng Chiến đã vẽ một hậu phương như vậy, trong một tác phẩm, đã triển lãm ở nhiều nơi. Tác phẩm Thư Hậu Phương.
Ông sử dụng bảng màu, có thể nói đó là bẳng màu cơ bản. Những gam màu mang đến cảm giác nguyên sơ, nhưng như cào vào mắt người xem, bởi cái tần số ánh sáng thấp của màu Đỏ hướng thẳng vào con ngươi người thưởng lãm.
Nền đất đỏ, cây súng nhuộm đỏ, đứa bé đỏ hỏn. Lý thuyết màu của Kandinsky, của Goethe, của Rothoko, hay từ phân tích của Graham Collier đều nói về màu đỏ.
Màu đỏ sáng của mặt đất nối liền với nền tranh (4/5 đỏ, 1/5 xanh hòa bình), màu đỏ sáng này nó như tiếng kèn thúc dục về sức mạnh, sự quyết tâm...một hàm ý rất thời cuộc về sự hiểu, chia sẻ của người vợ với người lính nơi chiến địa đầy máu và lửa khói bom đạn.
Màu đỏ son, màu đỏ đạt được sự yên bình, Lê Huy Hòa đặt vào đứa bé. Một biểu tượng của mầm sống, được trở che bởi cả mẹ - hậu phương, và bố - lính - tiền phương.
Hơn thế nữa, Lê Huy Hòa vẽ đứa bé say sưa nồng nàn bú bầu sữa mẹ. Và cái màu đỏ son chính là điều đó, màu của sự say mê, nồng nàn. Một kỹ thuật vẽ đầy tri thức hiểu biết của người họa sĩ sống nơi chiến trường và khi trở về...
Cây súng màu đỏ thẫm với viền đen đậm, hãy nhớ, đen là khắc tinh của đỏ, nó làm tắt ngấm sự nhiệt thành của màu đỏ. Một hàm ý rất rõ, chẳng ai muốn chạm tay vào cây súng kia, bởi súng chỉ đem lại sự sợ hãi và chết chóc cho tất cả, ở đó con người trở nên man rợ, lạnh lùng,... Lý thuyết màu kinh điển nói rõ điều này.
Cả bức tranh là cuộc rạo chơi màu sắc vô cùng hiện đại và đầy chủ ý. Tạo hình hiện đại, cảm giác như những khối điêu khắc thô, để người họa sĩ phủ sơn lên. Để rồi Lê Huy Hòa kể lại một khoảnh khắc rất đời thời trong chiến tranh, bằng tác phẩm THƯ HẬU PHƯƠNG.
 
CHÚC MỪNG NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM, XIN CẢM ƠN CÁC CHIẾN SĨ ĐÃ VÀ ĐANG CỐNG HIẾN CHO TỔ QUỐC.
HN, 22-12-2023
 
Ảnh tranh: Tư liệu của sưu tập tư nhân Hà Nội)
 
(Cát Khánh đăng theo bài viết của Nguyễn Đức Tiến, 22-12-2023)