Nghiên cứu HỔ 1978 – NGUYỄN TƯ NGHIÊM (phần 2)


Hướng tiếp cận: Sử dụng hai phương thức BIỂU CẢM (expressive) và Ý NIỆM (Conceptual).
Mục đích: Hiểu được kỹ thuật tạo hình của tác phẩm

BIỆN GIẢI THEO HỌC THUẬT TẠO HÌNH TRONG MỸ THUẬT PHƯƠNG TÂY
Ý NIỆM: hiểu là họa sĩ vẽ LỐI CHÍNH XÁC CÓ CHỦ Ý nhằm tạo cho tác phẩm có cấu trúc tư duy và lý thuyết một cách duy lý.

Con Hổ theo tự nhiên, bản năng cảnh giác, đe dọa với đối tượng xuất hiện trước nó. Cặp mắt hổ, với con ngươi và tròng mắt, cùng các nếp nhăn rúm lại kéo từ trán xuống và từ chóp mũi ngược lên, tới giao điểm ngang hai con mắt. Tạo cảm giác như mũi giáo chĩa ra. Họa sĩ đã thành công ở lối BIỂU CẢM.

Và về duy lý, toàn diện mặt hổ phải đồng điệu trán – mắt – mũi – miệng, thể hiện sự đe dọa đối thủ hoặc cảnh giác với mối đe dọa hướng vào nó - loài mãnh thú. Không thể khác được, sẽ phải xuất hiện cái miệng há ngoác, đỏ rực, cùng răng nanh chòi khỏi hàm qua nét vẽ. Nếu dừng phân tích ở đây, thì thật là nông cạn khi tìm kiếm cảm xúc sâu sắc của tác phẩm Con Hổ - 1978. Cần phải nhìn sâu vào con người họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm.

Những năm đầu thập niên 1960s, ông đã thoát ly mình ra khỏi mọi tổ chức chính trị mà ông theo đuổi từ khi còn trai trẻ. Ông đặt mình vào tâm thế của người tự do, giải phóng và định hình cảm xúc cùng tâm trạng để vẽ. Tâm thế này dẫn tới LỐI VẼ HÀNH ĐỘNG TỰ DO phục vụ cho Biểu Cảm (Expression), mới là con người Nguyễn Tư Nghiêm. Ông gột bỏ tất cả những gì ràng buộc của học thuật từ trường Tây.

Nhiệm vụ của người nghiên cứu, là phải tìm ra sự Biểu Cảm (Expression) ngay trên chính cái mặt CON HỔ đã được vẽ theo đúng cấu trúc duy lý của Ý Niệm (Concept). Việc này giống như các phân tích của Graham Collier về các bức tranh vẽ dáng hai người đứng, số XV.1970 của Henry Moore, hay bức Tướng Quân Khải Hoàn, họa sĩ Ý, TK17.



Trích đoạn tranh Con Hổ, bột màu trên giấy dó, 1978, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm (1918-2016), tranh thuộc nhà sưu tập Hà Nội.

Biểu cảm tự do sau cùng ở khuôn mặt Con Hổ 1978, không gì khác, BỘ RÂU HỔ, vẽ với tiết diện lớn bất ngờ, bằng 1/2 tạo hình cả khuôn mặt Con Hổ. Tạo hình như cả trăm mũi giáo sắp phóng ra, đầy đe dọa. Sự tương phản cực độ với những nét cong của Miệng – Mũi – Mắt là những nét thẳng căng, khẩn trương, như bùng lên bất chợt, của bộ Râu Hổ.
 
Râu Hổ như phá vỡ không gian quanh Mặt Hổ, tạo cảm giác Sức mạnh kịch tính, tạo sự mơ hồ về thị giác. Nói như bình luận của Graham Collier là nỗ lực xử lý tạo hình làm cho hình ảnh tràn trề bao sinh lực.

BIỆN GIẢI THEO NGŨ HÀNH ĐÔNG Y
Tại sao Con Hổ có mặt màu trắng tinh? Trong thực tế cuộc sống, ngoài lúc bình minh và hoàng hôn thì ánh sáng mặt trời luôn là ánh sáng trắng.

Năm con ngựa – Mậu Ngọ, theo lý thuyết Ngũ hành, ngựa – ngọ thuộc hỏa, vậy mọi sinh vật, thiên nhiên, cây trong năm đó, đều có những biểu hiện của hành Hỏa - Nóng. 1978 là Thiên Thượng Hỏa, một loại hỏa tự sinh, hỏa không cần sự tương sinh nào, không bị khắc chế bởi nước, hỏa sinh từ trên trời hướng xuống – mặt trời.

Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm ưa thích sử dụng những biểu tượng con giáp để diễn đạt thời cuộc năm ông vẽ. Con Hổ, thuộc loại săn mồi độc hành, không bầy đàn, tương đồng với những người cá tính ngay thẳng, sống cương nghị, chính trực, ngay thẳng. Tính cách người Thiên Thượng Hỏa là nóng tính, hàm ý tính cách nói trên.



Khi Hỏa vượng – Đất khô, tơi, xốp, màu đất trở nên trắng. Ai từng ở nông thôn, đều biết, trạng thái đất được phơi nắng đủ lâu sẽ chuyển màu sang màu trắng. Sâu sa, đất trở nên màu mỡ. Nguyễn Tư Nghiêm lớn lên ở nông thôn cùng cha ông, Phó Bảng Nguyễn Tư Tái, người từ quan ở Huế về chiêu mộ tá điền, lập ấp, nên cụ thấu hiểu quy luật này.
Từ quan điểm trên, chúng ta có cơ sở lý giải, vì sao Con Hổ của Nguyễn Tư Nghiêm, có khuôn mặt trắng, điểm vàng, với cái miệng đỏ rực, thuận theo nghĩa Hỏa sinh Thổ - màu vàng, Hỏa quá vượng, tương sinh Thổ, chuyển màu trắng.

Tại sao ông chọn vẽ Hổ năm Ngọ, dù Ngọ đã biểu tượng cho hành Hỏa. Có thể biện giải rằng, theo Ngũ hành rằng Hổ thuộc Mộc, Mộc sinh Hỏa, dẫn ra nghĩa Hỏa từ Hổ liên hợp với Hỏa từ Ngọ, sẽ càng làm hỏa vượng ở năm Thiên Thượng Hỏa, 1978.

Như đã phân tích ở trên, Nguyễn Tư Nghiêm chưa bao giờ chối bỏ diễn đạt hiện thực xã hội qua tranh, ông chọn hình thức biểu đạt của riêng ông mà thôi. Cũng như chính Mark Rothoko, họa sĩ trừu tượng hàng đầu thế giới, nhắc tới trong cuốn Hiện Thực Của Họa Sĩ. Xét bối cảnh 1978, Việt Nam sau chiến tranh, tiếp tục cang mình đương đầu ở cả hai cực đất nước là Bắc và Nam với ngoại xâm từ láng giềng. Rõ ràng, lòng người sẽ nóng – Hỏa, hàm ý thêm Hỏa sinh ra từ tâm thế thời cuộc. Luận nghĩa Hỏa sinh Thổ, thì Hỏa trong tâm can sinh ra là bảo vệ lãnh thổ, thuận lẽ tự nhiên của một quốc gia độc lập.

Bức tranh Con Hổ, riêng mặt Con Hổ gồm màu chủ đạo Trắng, thêm Đỏ và Vàng, đã ôm giữ tới ba loại hỏa sinh: Hỏa của năm Thiên Thượng Hỏa - con Ngựa – Màu trắng, Hỏa của Con Hổ hành Mộc sinh Hỏa – Màu Đỏ, Hỏa của tâm thế dân tộc – chính xác là từ sự mẫn cảm của con người Nguyễn Tư Nghiêm về lãnh thổ Việt Nam – Màu vàng.

Biện giải của người nghiên cứu là quan điểm phân tích cá nhân, chưa đầy đủ và cũng không chắc là đúng ý của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, nhưng phân tích là có cơ sở, có độ tin cậy, và phù hợp với cách họa sĩ tư duy về Ngũ hành theo Đông Y và chuyển hóa bằng màu sắc hội họa. Điểm hay là thấy được cảm xúc bên trong bức tranh Con Hổ mà nếu chỉ biện giải duy lý theo học thuật phương Tây thì không thể nhìn ra ddiemr hay này.

(còn tiếp)
(Cát Khánh trích theo nghiên cứu của nhà sưu tập, nghiên cứu tranh họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, 23/11/2023)