Nghiên cứu HỔ 1978 – NGUYỄN TƯ NGHIÊM
Hướng tiếp cận: Sử dụng hai phương thức BIỂU CẢM (expressive) và Ý NIỆM (Conceptual).
Mục đích: Hiểu được kỹ thuật tạo hình của tác phẩm

Con Hổ, bút sắt và màu nước, họa sĩ Delacroix (Pháp), 1798-1863
BIỆN GIẢI THEO HỌC THUẬT TẠO HÌNH TRONG MỸ THUẬT PHƯƠNG TÂY
BIỂU CẢM: tìm cách diễn đạt các trang thái cảm xúc – sức mạnh trong tâm trạng hay phẩm chất riêng biệt của cảm xúc.
Nghiên cứu bức vẽ Con Hổ của Delacroix, và ngẫm xem có “cảm thấy” sức sống trong bút pháp của Delacroix? Câu hỏi có thấy phẩm chất tạo hình Khẩn trương, Kịch tính, Đe dọa, Uyển chuyển và Lấn lướt trong tranh? Trong tự nhiên, ý niệm về Hổ là loài mãnh thú trong hành vi, người xem đã có giác quan nhận thức. Theo Graham Collier thì phân tích tới cùng thì bản chất biểu cảm của bức vẽ mới là thuộc tính vượt trội.
Bản chất biểu cảm của bức vẽ Con Hổ được bộc lộ qua kỹ thuật vẽ của họa sĩ Delacroix, bởi họa sĩ chuyển tải một phần nào CÁI THẦN và CÁI Ý qua các nét vẽ, mà ta gọi là NỘI DUNG TỰ SINH.
Eugène Fromentin, trong cuốn Những Họa Sĩ Bậc Thầy viết vào năm 1876, ở đoạn viết về họa sĩ Rubens, cũng đã nhắc tới điều đó như sau: “Nếu bàn tay lướt đi đủ nhanh thì không theo kịp được ý nghĩ; nếu sự ứng tác kém xuất thần, thì vẽ sinh động sẽ giảm đi; nếu tác phẩm càng có vẽ lưỡng lự hơn, miễn cưỡng hơn hoặc ít quyết đoán hơn thì rất có thể nó trở nên vô cảm…”
Phân tích theo các nét vẽ của Delacroix, thì nét vẽ của họa sĩ phải đến từ sự đồng cảm của cơ thể thể hiện qua cử động và xúc giác (tiếp xúc). Cả phương Đông lẫn phương Tây từ lâu đều đã tuyệt đối tin tưởng và nhất trí vào những thời điểm sáng tạo (vẽ) nên từng nét vẽ là tâm trí của họa sĩ phó thác cho sự hoạt động say mê giàu tưởng tượng, được hiểu là cách thức cử động của cơ thể trong không gian bộc lộ trang thái của tâm hồn.
Khi ta đã hiểu hành vi của mãnh thú là những động tác đã nói ở trên, và ta hiểu trạng huống thần kinh của họa sĩ khi vẽ, thì cùng xem lời bình của Graham Collier: “hãy thử tưởng tượng Delacroix lúc đang vẽ, bàn tay di chuyển trên trang giấy trong khi ấn mạnh ở chỗ này, buông lỏng ở chỗ nọ, làm cho bút sắt và bút lông nhấn nhá lên xuống rồi vuốt theo đường đi của chúng trên phần nền với những nét đầy sinh lực…
Ở trên là phân tích theo hướng BIỂU CẢM thiên về diễn đạt trạng thái cảm xúc – sức mạnh tâm trạng thì dễ làm ta quên đi tư duy trí tuệ của Ý NIỆM của họa sĩ.
Một tấm thân CON HỔ như này phải đến tự sự tư duy, có tích lũy trí tuệ, mới tạo nên một cấu trúc hình vẽ của mãnh thú. Được hiểu Delacroix phải rèn luyện rất rất nhiều trước đó. Đồng ý theo phân tích của Graham Collier rằng, bức vẽ Con Hổ tính BIỂU CẢM đã áp đảo tính Ý NIỆM, và đây là một bức vẽ theo bản năng.

Trích đoạn tranh Con Hổ 1978, bột màu trên giấy dó, Nguyễn Tư Nghiêm (1918-2016), tranh thuộc sưu tập tư nhân
Tham chiếu nghiên cứu tranh Con Hổ của Delacroix vào tranh Con Hổ của Nguyễn Tư Nghiêm, người xem đã nhận ra bản chất mãnh thú ở những nét mang đậm tính BIỂU CẢM (expresive)sau:
- Hai đồng tử mắt Con Hổ thu hẹp tối đa thành hai vòng tròn nhỏ xíu so với cả mắt hổ. Hai con ngươi chỉ là hai chấm đen, vẽ độc nét. Đối diện với cặp mắt hổ, chúng ta có cảm giác hai con ngươi mắt hổ, như hai mũi giáo chĩa thẳng.
- Da sống mũi Con Hổ co chun lại, bằng vài nét vẽ trơn liền theo phương ngang, cùng những nếp nhăn kéo từ trán xuống sống mũi, tạo hội tụ ở phần chính giữa hai hốc mắt hổ, chin xác là giữa hai con ngươi – mũi giáo.
- Cảm giác về thần thái họa sĩ khi vẽ, ta nhìn vào nét vẽ, không thấy sự vội vàng, chỉ thấy sự uyển chuyển, nhấn nhá, chấm dứt khoát – cô đọng. Một lần nữa, chúng ta có thể khai thác quan điểm cả phương Tây và phương Đông đã tuyệt đối tin tưởng và nhất trí, rằng tâm trí và cơ thể họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm khi vẽ bức Con Hổ cùng nhịp, rồi chuyển tải bằng kỹ thuật vẽ bản năng của bậc Thầy.
- Rõ ràng, đối diện với cặp mắt tranh Con Hổ, sự đe dọa của mãnh thú với kẻ đối diện đã phủ bóng. Tôi cho rằng, cảm giác NÓNG NÓNG bừng lên ở sau gáy, viền tai là có xuất hiện chứ không phải sự tự kỷ ám thị.
Theo quan điểm của Eugène Fromentin, trong cuốn Những Họa Sĩ Bậc Thầy viết vào năm 1876, thì chung ta nhìn thấy sự ứng tác của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm là xuất thần, trơn chảy, quyết đoán, dứt khoát, mà vẫn mang âm hưởng của sự nhu – nhuyễn không vội như hành vi của những người tập Thái Cực.
BIỆN GIẢI TẠO HÌNH THEO NGŨ HÀNH

KHỐI HÌNH TAM GIÁC ĐỀU
Gồm ba điểm, hai con mắt hổ và đỉnh chóp mũi hổ đã tạo thành hình tam giác. Theo nghiên cứu của NNC Lê Văn Sửu, 1987, những vật thể có khối hình tam giác hoặc góc nhọn như mũi giáo, mác, mảnh đá xước, mũi tên, mảnh đồ sứ, thủy tinh vỡ, một con đường xa xăm trước mắt, đều gây cho con người một nhận biết về khả năng phá nát những gì mềm hơn nó.

KHỐI HÌNH TRÒN
Gồm hai đồng tử cùng hai chấm đen tròn vẽ con ngươi mắt Con Hổ. Mọi khối tròn, mọi vành xe đều cho ta cảm giác về sự di động dễ dàng, linh hoạt của nó. Những trái cây tròn chin đỏ đem lại cảm giác niềm vui, mặt trời tròn sáng cho ta cảm giác nắng ấm, sức nóng ngọn lửa…Vì thế vạn vật khái quát theo hình tròn được gọi là hành hỏa.
Tài biến hóa của họa sĩ là ẩn sau màu đen – hành Thủy của tròng mắt Con Hổ, lại là sức mạnh – tính Hỏa cuồn cuộn – bản chất sức mạnh đe dọa của mãnh thú.
TRONG KHỐI TAM GIÁC CÓ CÁC KHỐI TRÒN
Theo NNC Lê Văn Sửu, 1987, thì sự xuất hiện của hai con mắt với hai đồng tử tròn, trong tổng thể tam giác ngược (biển cảnh báo nguy hiểm thời hiện đại), thì lại báo về một tín hiệu, NIỀM VUI. Và cái tinh thần vui này là sự vận hành mang tính qui luật tự nhiên của Ngũ hành. Đây phải chăng là thuộc tính của tự nhiên, tồn tại hai mặt đối lập – giận dữ & niềm vui.

THU HOẠCH:
Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm rất rành rọt về kiến thức Đông y Ngũ hành theo cha ông Phó Bảng Nguyễn Tư Tái, như ông đã tự sự và đưa vào tranh. Bức tranh Con Hổ được vẽ năm 1978, cách nay 45 năm, vạn vật sinh năm này sẽ mang thuộc tính Thiên Thượng Hỏa, nóng nảy, bộc trực, kìm nén năng lượng,…
Nếu học thuật phương Tây là duy lý để biện giải cho những cảm giác từ hình vẽ Con Hổ đem lại như phân tích theo BIỂU CẢM (expressive) ở trên. Còn theo học thuật phương Đông, hình khối hiển hiện trên mặt tranh, qui chiếu theo những vật hiện hữu trong đời sống, tác động tới tâm sinh lý con người.
Chúng ta không cần cố biện giải là họa sĩ đã dùng thủ pháp mỹ thuật phương Tây hay phương Đông trong tạo hình, cái nào lấn lướt cái nào, chỉ cần chắc chắn, trong tranh Con Hổ cùng tồn tại cả hai tri thức hiểu biết của hai nền mỹ thuật tạo hình Tây, Đông, cùng sự chắc chắn là chỉ có ở Nguyễn Tư Nghiêm.
(còn tiếp)
(Cát Khánh trích từ Nghiên Cứu Tranh Con Hổ 1978 – Nguyễn Tư Nghiêm của người nghiên cứu, sưu tầm tranh NĐT, 11/2023)