Vấn đề Nghiên cứu Mỹ thuật Huế



Ảnh chụp trích đoạn tác phẩm của họa sĩ Tôn Thất Đào, nguồn từ bộ sưu tập BTMT tư nhân



Ảnh tư liệu: Khâm Lăng (Tự Đức) - Huế, in trong TCMT, 1987

Huế là nơi duy nhất ở Việt Nam còn những thành quách, cung điện, đền đài, chùa tháp, lăng tẩm, đó là những công trình mỹ thuật cổ.
Nghiên cứu mỹ thuật Huế với đối tượng là những công trình mỹ thuật cổ chính là nghiên cứu mỹ thuật cổ nước nhà thế kỷ XIX, nửa đầu thế kỷ XX trên cơ sở nước ta đang tiếp xúc với văn minh Âu Á.

Khởi nguồn nghiên cứu mỹ thuật Huế từ đầu thế kỷ XIX đến trước 1945 là do người Pháp và người nước ngoài. Tác giả L.Cadière (Pháp) đã phân loại phân tích, so sánh những kiểu thức trang trí để tìm bản chất, ngọn nguồn, ưu nhược của mỹ thuật Huế. Ông thấy cả đạo Phật, đạo Lão, đạo Khổng, cả thể thức Trung Hoa hay Nhật Bản.
L.Cadière đã chỉ ra cái khác nhau của công trình mỹ thuật cổ ở Huế và ở miền Bắc. Huê thì mảnh dẻ, duyên dáng, tinh tế, trang nhã, trong khi Bắc kỳ thì chắc khỏe, nặng nề, kỹ thuật đục chạm sâu. Tác giả Gourdon (Pháp) còn cho rằng mỹ thuật Huế là một thứ Florence Việt Nam.



Ảnh tư liệu: Ngọ Môn (nhìn từ ngoài) - Huế, in trong TCMT, 1987

Tác giả Bezacier của Viện Viễn Đông Bác Cổ đã đưa mỹ thuật Huế sắp xếp trong tiến trình lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Ông đã xếp những công trình mỹ thuật cổ Huế vào phong cách mỹ thuật Nguyễn là phong cách thuộc giai đoạn cuối cùng trong các giai đoạn chính yếu của mỹ thuật Việt Nam.

Chính những công trình mỹ thuật cổ ở Huế, ông chia giai đoạn mỹ thuật Nguyễn thành hai thời kỳ nhỏ: Thời kỳ ảnh hưởng Trung Hoa đối với các công trình có niên đại từ 1804 đến 1916. Đó là các lăng mộ Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức, Thiệu Trị… các cung điện Càn Thành, Càn Chánh… Thời kỳ ảnh hưởng Tây phương từ 1916 đến 1925, đó là lăng Khải Định, lầu Kiến Trung, cửa Hiền Nhơn,…



Ảnh tư liệu: Nhà bia - Lăng Tự Đức, in trongTCMT, 1987

Từ 1925, mỹ thuật Việt Nam chính thức chuyển sang giai đoạn được các thầy Tây dạy từ ngôi trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Có một họa sĩ xứ Huế cùng thời với Lê Phổ, là Tôn Thất Đào đã học mỹ thuật từ các thầy Tây, sau này ông là Hiệu trưởng đầu tiên dẫn dắt, đứng đầu Cao đẳng Mỹ thuật Huế thời Việt Nam Cộng Hòa tới hết 1975.

Tôn Thất Đào là dòng họ Vua, sinh ra lớn lên ở Huế, tâm hồn ông hồi cố với những dòng lịch sử của Kinh Đô Huế, cũng giống như Bùi Xuân Phái hồi cố với những ký ức phố cổ Hà Nội. Kinh thành Huế vàng son xưa chính là một trong những đề tài của họa sĩ Tôn Thất Đào. Tác phẩm Nhà Thủy Tạ bên đầm sen trong Lăng Tự Đức đã được họa sĩ Tôn Thất Đào vẽ trong hồi ức kinh thành vàng son xưa kia với Lầu son, Gác mái ngọc, cùng bóng dáng những thiếu nữ thướt tha đi vãn cảnh.

(Cát Khánh viết theo tài liệu Tạp chí Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 1987, của t.g Nguyễn Tiến Cảnh, HN, 11/2023)