Nghiên cứu kiến thức văn hóa cổ Đông Y Ngũ Hành trong sáng tạo tranh của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm.
Việc tìm và diễn giải ngôn ngữ tạo hình của danh họa là hết sức quan trọng theo quan điểm của chúng tôi. Bởi vì người ta hay nệ vào câu tranh họa sĩ là tranh thuộc mỹ thuật hiện đại, để lý giải cho những khối hình trong tranh ông, và họ viện dẫn vào những tranh họa sĩ phương Tây để so sánh với họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, việc này nó giống như tô điểm để đi bán tranh và làm mất bản sắc dân tộc của tranh.
Thứ nữa, từ nghiên cứu này, những người sưu tập, thưởng lãm sẽ lần ra được những dấu vết của những những bức tranh Nguyễn Tư Nghiêm hàm chứa văn hóa cổ Đông Y Ngũ Hành.
PHẦN NGHIÊN CỨU: HÌNH – NGŨ HÀNH – TÁC ĐỘNG LÊN TÂM LÝ NGƯỜI THƯỞNG LÃM TRANH
Vạn vật trong thiên nhiên có nhiều hình dạng, nhưng theo khí vật tương ứng và ngũ hành người ta chọn ra 5 hình khác biệt nhau nhất để làm đại biểu ứng với ngũ hành – mọi vật dù có hình thù khác nhau đến mấy cũng lược gạn đại thể gần với hình gì mà quy theo 5 hình đó.Mỗi hình đại biểu ứng với một hành, cũng là ứng với một diễn biến sinh lý, bệnh lý và tâm lý của người theo hành đó.
Sách “Địa lý ngũ quyết” và “Địa lý mật truyền cảo tập” quy loại hình thể theo ngũ hành như sau
MỘC – CHỮ NHẬT; HOẢ - TRÒN; THỔ - VUÔNG; KIM – TAM GIÁC; THUỶ - UỐN KHÚC;
Bậc thầy Nguyễn Tư Nghiêm đã vẽ các mô- típ thuộc các CẶP hình TƯƠNG SINH, TƯƠNG ĐỒNG, TƯƠNG KHẮC vào tranh, qua mắt nhìn của người xem, họ được thúc đẩy tâm lý, xúc cảm một cách thuận tự nhiên nhất.
1. NGỰA & GIÓNG (hiệu quả tâm lý về NIỀM TIN, SỨC MẠNH thêm hùng hậu)
+ Đầu ngựa, Vó ngựa, Khối thân ngựa, Các mảnh GIÁP phục của gióng, đều thuộc hình khối CHỮ NHẬT, hoàn toàn tương đồng MÀU XANH – MỘC, tạo cảm giác về sức chống đỡ, khả năng chịu đựng, tính ngay thẳng, sự cứng rắn, gây lòng tin tưởng cho người khác.+ Tựa như khi ta nhìn vào một thân cây, một khối hình trụ như khúc cột, một thanh dầm nhà, dầm cầu có hình khai quát thị giác là một hình chữ nhật.
KẾT LUẬN 1:
+ Các khối hình chữ nhật đặt cạnh nhau, tạo cảm giác niềm tin và sức mạnh thêm hùng hậu, có thêm sự cổ vũ gọi là MỘC ĐỒNG MỘC.
2. ĐẦU THÁNH GIÓNG, MẶT TRỜI (hiệu quả tâm lý về sự chuyển động, thông tuệ, hơi nóng)
+ Mọi quả cầu, mọi viên bi, mọi khối tròn hay mọi vành xe đều cho ta cảm giác sự di động dễ dàng, linh hoạt của nó.
+ Những cái đầu cho người ta cảm giác về sự thông minh thần kỳ được chứa trong đó. Mặt trời cho cảm giác sáng sủa, sức nóng, sự sống.
KẾT LUẬN 2:
+ Hoạ sỹ Nguyễn Tư Nghiêm đã đặt các mô-típ hình tròn – hoả, trong và bên cạnh tổ hợp các mô típ hình chữ nhật – mộc, thuận quy luật MỘC sinh HOẢ, đã tạo cảm giác về sự chuyển động, thông tuệ, hơi nóng.
3 CÁNH TAY GIÓNG NÂNG GẬY TRE & ĐẦU GIÓNG (hiệu quả tâm lý về NIỀM VUI bên NỖI BUỒN)
+ Khối tam giác nổi bật tạo bởi 2 cánh tay Gióng và cây gậy tre, đều gây cho con người một nhận biết về góc nhọn như giáo, mác, mũi tên, thuỷ tinh vỡ sẵn sàng phá nát tất cả những gì mềm hơn nó. Trên thực tế ngũ hành TAM GIÁC là hành KIM.
KẾT LUẬN 3:
+ Mô-típ TAM GIÁC - KIM chứa/bên cạnh mô-típ TRÒN - HOẢ, ám chỉ hoả khắc kim. Từ đó thúc đẩy cảm xúc về một truyền thuyết đậm tính nhân sinh, Thánh dù là người nhà Trời, nhưng hạ sinh bởi người mẹ trần thế, thì vẫn ngoái đầu về mẹ khi phải chia lìa trong niềm vui đánh thắng giặc, hàm ý có chiến tranh thì có mất mát.
4. CÂY GẬY TRE & 2 CÁNH TAY GIÓNG (hiệu quả tâm lý về sự SỢ HÃI)
+ 2 khối hình uốn lượn là cây gậy tre và một cánh tay Thánh Gióng, thuộc về HÀNH THUỶ, gợi cho tâm lý con người về sự khéo léo, luồn lách, vượt qua trở ngại để đạt mục đích đi tới.
+ 2 cánh tay và gậy tre lại tạo thành khối lớn tam giác thuộc KIM – vũ khí, chẳng ai đối đầu trước vũ khí mà không có tâm lý e sợ. Sự thực là như vậy.
KẾT LUẬN 4: Hoạ sỹ Nguyễn Tư Nghiêm đã thật kỳ tài khi khai thác tổ hợp các nỗi sợ:
+ HÌNH UỐN KHÚC bên HÌNH UỐN KHÚC hàm ý sự khéo léo bên sự khéo léo, sự sợ hãi bên sự sợ hãi;
+ HÌNH UỐN KHÚC với HÌNH TAM GIÁC là sự sợ hãi thêm sầu thảm.
Bức tranh đã truyền đi được thông điệp bằng xúc cảm rõ ràng về sự khiếp đảm tâm lý khi Thánh Gióng đánh giặc chỉ bởi cây gậy tre (tre biểu tượng cho người dân Việt, nhẫn nhịn, mềm dẻo, nhưng không khuất phục)Phân tích nghiên cứu trên, giúp hiểu thêm được những tuyệt chiêu tạo hình hội hoạ của Nguyễn Tư Nghiêm. Phân tích đã lý giải cho những câu hỏi tại sao tranh cụ là hiện đại, là có giá trị, là trường tồn (bởi hợp quy luật Ngũ hành),…Người nghiên cứu chia sẻ kiến thức, hiểu biết nhằm giúp các nhà sưu tầm (dù là lão làng hay mới) sẽ minh hơn, trực giác hơn, cảm xúc hơn khi đối diện, khi sàng lọc, ra quyết định mua, bán những tác phẩm của cụ Nguyễn Tư Nghiêm, hơn là nghe những câu chuyện về nguồn gốc tranh được mua từ ai tới ai…
Nguồn ảnh chụp từ tác phẩm Ông Gióng, 1979, bột màu trên giấy gió, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, tranh thuộc bộ sưu tập của nhà sưu tập Philip Nguyễn)
(Cát Khánh dẫn nguồn bài phân tích của Nguyễn Đức Tiến, 11/2023)