Lê Huy Hòa, Bài Ca Ngã Ba Đồng Lộc, 1990, sơn dầu, truy tặng Giải thưởng Nhà nước

LÊ HUY HÒA – họa sĩ duy nhất của khóa Kháng Chiến có thể thực hành điêu luyện cả hai tạo hình mỹ thuật gồm Siêu thực và Vị lai trong cùng một tác phẩm – đã đạt giải thưởng Nhà nước năm 1990 – tác phẩm Bài Ca Ngã Ba Đồng Lộc. Đây là quan điểm của người nghiên cứu Nguyễn Đức Tiến.
KHÔNG GIAN -ÁNH SÁNG-THỜI GIAN là mục tiêu tối thượng Lê Huy Hòa MUỐN & PHẢI thực hiện trong tác phẩm với tạo hình nghệ thuật Siêu thực và Vị lai. Đây là cốt lõi trình bày ở bài viết này trong tác phẩm Bài Ca Ngã Ba Đồng Lộc.

ĐÂU LÀ SIÊU THỰC TRONG TÁC PHẨM?
Lê Huy Hoà đã kết hợp giữa trí tưởng tượng về KHÔNG GIAN ở Ngã Ba Đồng Lộc với những trải nghiệm cuộc chiến ông đi qua. Ở đó chỉ tồn tại, kim loại, đất, không khí, không tồn tại sự sống. Phù hợp với định nghĩa về Siêu thực mà theo các lý thuyết của Sigmund Freud đã ảnh hưởng đến những người khởi xướng trao lưu Siêu thực hiện đại vào năm 1919.
Nhìn vào tranh, rõ ràng chỉ như thấy thứ ánh sáng ĐEN, XÁM gây ảo giác của Siêu thực. Dòng sông màu xám lạnh ánh kim loại – tựa như con đường với những cái hố, toang hoác, càng làm thị giác có ảo ảnh.



Henry Moore (1898-1986), Reclining Figure (Người Năm Tựa), 1953-1954, đồng

Các khối hình, giống các lỗ thủng, khoan vào nền tranh – bầu trời phía trên, lỗ thủng đó giống lỗ thủng trong điêu khắc của Henry Moore (1898-1986) ở tác phẩm Người nằm tựa (1953-54), hiệu ứng này khiến tâm thức người xem liên kết với ý niệm về thời gian, cụ thể là người xem hình dung, chẳng biết, tranh vẽ đêm hay ngày.
Cả KHÔNG GIAN & ÁNH SÁNG bức tranh có một mối quan hệ làm cho Ngã Ba Đồng Lộc có một diện mạo bí hiểm, ở một thế giới khác.
Tranh Siêu thực sẽ kém đi cái nửa tỉnh, nửa mơ, nếu thiếu một bóng người đơn độc (theo chỉ dẫn của Graham Collier). Lê Huy Hòa đã đưa những tấm thân, những bầu ngực căng, tươi trẻ ẩn trong tạo hình, giống điêu khắc Người Nằm Tựa của Henry Moore (quan điểm của người nghiên cứu Nguyễn Đức Tiến), vì đã là người Việt Nam, trong tâm thức, đều biết, trong kim loại-đất-không khí ở đó có da thịt các thiếu nữ (nhớ về lịch sử).

ĐÂU LÀ VỊ LAI TRONG TÁC PHẨM?
Bản tuyên ngôn về Vị lai năm 1909 của nhà thơ Ý Marinetti. Vị lai tồn tại ngắn ngủi, chối bỏ tính nhân bản về các giá trị xã hội, chính trị và văn hóa. Vị lai vinh danh chiến tranh, chiến đấu, vẻ đẹp của tốc độ…
Mảng vẽ xuyên ngang tranh, như một mảnh điêu khắc kim loại, đặt lên tranh, là con đường xe đi qua Ngã Ba Đồng Lộc trong tưởng tượng, đúng theo nỗ lực của các nhà Vị lai, muốn xây dựng một cấu trúc tạo hình tiết lộ được vị trí của cả ngoại vật lẫn khoảng không khi đang tăng tốc – đặc biệt ở đó, tốc độ quyết định sinh mệnh bất kỳ ai được sống hoặc phải chết.
Lê Huy Hòa, vẽ trên con đường kim loại này, một thứ ánh sáng, ánh sáng chói lạnh, người xem tranh cảm giác được ánh sáng đó có gì rất độc đoán, cưỡng ép, xoay đa chiều, xung đột với các cấu trúc hình, nền không gian xung quanh. ĐÂY LÀ ĐIỂN HÌNH CỦA HỘI HỌA VỊ LAI (hướng dẫn của Graham Collier). Trên thực địa, phải là các tia chớp giật và sóng xung kích bởi bom nổ. Tham khảo tranh Ô Tô Tăng Tốc, trường phái Vị lai của Giacomo Balla (1871-1958).



Giacomo Balla (1871-1958), Speeding Automobile (Ô tÔ Tăng Tốc), 1912. Sơn dầu trên ván gỗ. Bảo tàng nghệ thuật hiện đại New York.

Ánh sáng của Vị lai trên con đường kim loại trong tranh, nó đạt được một mạch đập chuyển động, và năng lượng rất mạnh mẽ, ánh sáng đi xuyên thấu con đường từ trái qua phải, phải qua trái của tranh tới vô cực. Ánh sáng mạnh tới mức chống lại bất cứ vật thể cứng nào cản trở nó.
VỊ THẾ LÀM NÊN UY QUYỀN CỦA LÊ HUY HÒA LÀ BỞI THỰC HÀNH NHUẦN NHUYỄN HỘI HỌA HIỆN ĐẠI
Nếu Graham Collier nói “trong thế kỷ 20 chắc không có nhà điêu khắc nào tiên phong khám phá cách xử lý không gian thấu đáo hơn Henry Moore” thì chiếu sang Lê Huy Hòa ở tác phẩm Bài Ca Ngã Ba Đồng Lộc, cho thấy, ông vượt trên tất cả các họa sĩ khóa Kháng Chiến về cách xử lý không gian mà ở đó tồn tại cả hai thủ pháp Siêu thực và Vị lai.
Ông được truy tặng giải thưởng Nhà nước cho tác phẩm Bài Ca Ngã Ba Đồng Lộc thật vô cùng xứng đáng. Tác phẩm ông là ngọn đuốc cho những người thực hành nghệ thuật và sưu tập nghệ thuật Hiện đại.
 

(Cát Khánh, HN, 10/2023)