Đạo Đức Kinh (Lão Tử) 

VÔ DANH & HỮU DANH, suy ngẫm về sáng tạo hội hoạ
 
Vô danh là gốc của muôn vật. Vô danh cho ta thấy bản chất trống vắng huyền diệu.  
 
Ví dụ đơn sơ nhất, khi ta cầm cục đất trên tay, có thể tưởng tượng rằng nó sẽ biến hoá thành bao đồ vật: cốc, chén, bát, bình,… Lúc này cục đất chưa có tên, chưa hữu danh.
 
Còn khi cục đất được nặn thành chiếc bát thì cục đất đã có tên, đã có chi tiết, bị soi chiếu bởi nhiều điều… lúc này gọi là hữu danh.
 
Suy ngẫm về con đường sáng tạo văn hoá bằng phương tiện hội hoạ, chiếu theo Vô danh và Hữu danh, thì ta thấy được hai con đường chính:
 
1. Họ ẩn mình vào văn hoá dân tộc, lấy đó làm nguyên liệu để bày tỏ thẩm mỹ riêng của mình, gần với VÔ DANH;
 
2. Họ chọn khẳng định họ là chính họ, họ vẽ cái tôi riêng, không giống ai, họ là sự sáng tạo riêng gắn với tên họ, gần với HỮU DANH 
 
Khi hoạ sĩ chọn con đường VÔ DANH là lúc họ tận hiến hết đời, ẩn tên của họ vĩnh viễn sau những giá trị văn hoá vô hình. Và nếu giá trị văn hoá đó bị trôn vùi, đồng nghĩa họ bị quên lãng. Còn khi giá trị văn hoá đó được ghi vào sử sách, thì hoạ sĩ sẽ được nhớ vĩnh viễn, cùng dân tộc.
 
Giờ thì bàn tới PHỐ CỔ trong văn hoá nói chung:
 
- Dường như cụm từ PHỐ CỔ định hình trong nếp nghĩ của người sinh ra ở HN hay người nơi khác tới, như hàm ý về một nơi có văn hoá đặc đậm HN ( ăn, ở, kiếm sống, giao thiệp, sáng tạo,…)
 
- Thực tế PHỐ CỔ đang nắm giữ giá trị văn hoá vô hình, của 1 địa danh. Mà kích thích trí tưởng tượng phong phú, cái hình dung kỳ diệu, của bất cứ ai, với đa chiều góc cạnh cảm xúc từ thân quen tới xa lạ, từ hương vị tới sắc màu, từ tín ngưỡng tới lý trí, từ mộc mạc tới kỹ tính cầu kỳ,…
 
Để rồi khi nhìn vào bức tranh vẽ phố cổ, làm cho tâm thức người xem đan xen những câu hỏi và cả sự tưởng tượng hay hoài niệm…
 
Sau cùng, tận cùng, sắp rời mắt khỏi bức hoạ, người xem mới nhớ tới tên người hoạ sĩ, ông là Bùi Xuân Phái. Một cái tên nhỏ bé ẩn sau những giá trị văn hoá của một địa danh.
 
(Còn tiếp)
 
Cát Khánh, 10/2023