St. Peter in Prison (St. Peter Kneeling)(1631)của Rembrandt van Rijn
Hai kiệt tác của bậc thầy hội họa Rembrandt, sáng tác vào năm 1630 và 1631, bức “The Prophet Jeremiah Lamenting the Destruction of Jerusalem" (1630) được bảo tàng Rijks, Amsterdam cho mượn nhân dịp lễ kỷ niệm thứ 50 và bức “St. Peter in Prison” (1631) từ chính bảo tàng Israel sẽ được trưng bày song song trong một buổi triển lãm tới.
Hai bức tranh có những tương đồng rõ rệt, đặc biệt là nhân vật ở trung tâm-một người đàn ông lớn tuổi với bộ râu rậm cùng nét mặt chứa chan nỗi buồn và sự tuyệt vọng-đã dấy lên một câu hỏi thú vị: Có phải Rembrandt đã muốn thu hút sự chú ý đến mối liên hệ đặc biệt mà ông nhấn mạnh giữa nhà tiên tri và kẻ tông đồ (của Jesus), hay người họa sĩ đã vẽ cùng một người mẫu trong cả hai bức tranh?
"The Prophet Jeremiah Lamenting the Destruction of Jerusalem"(1630)của Rembrandt van Rijn
“Bất chấp khoảng cách 650 năm giữa hai sự kiện mà mỗi bức tranh miêu tả, có thể chắc chắn rằng chúng có sự tương đồng.”- Shlomit Steinberg cho hay. “Chúng đều diễn ra tại Jerusalem, gần ngọn núi Moriah, và đều thể hiện một cuộc khủng hoảng tinh thần cá nhân trầm trọng, ngụ ý về một bản chất đầy tính lịch sử và tính định mệnh. Nhà tiên tri Jeremiah khóc thương cho sự tàn phá của thành phố Jerusalem và Ngôi Đền, trong khi đó thánh Peter (tông đồ của Jesus)thấy bản thân mình đang bị giam trong chốn tù ngục, lo sợ cho tương lai của bản thân và hoàn toàn bị lệ thuộc vào ý muốn của những chiến binh La Mã. Rất có khả năng sự tương đồng giữa hai bức tranh chủ yếu do họa sĩ Rembrandt đã làm việc với cùng một người mẫu, có lẽ chỉ là một người hàng xóm hoặc một người quen. Vào thời điểm đó, họa sĩ Rembrandt và Jan Lievens, cộng sự tại xưởng vẽ của ông, thường xuyên sáng tác dựa trên người đàn ông này. Gương mặt ông đầy biểu cảm, nhờ có bộ râu trắng, vầng trán cao và đôi mắt lờ mờ, rất thích hợp đóng vai một nhân vật như nhà tiên tri hay Chúa Jesus trong tình cảnh đau khổ. Theo một cách nào đó, ở cả hai bức tranh, Rembrandt đều đã miêu tả cái khoảnh khắc của sự lo lắng, sự nghi ngờ và sự tàn phá đối với nhân vật chính.”
Bảo tàng Israel, Jerusalem
Trong cả hai bức tranh, sử dụng sơn dầu và bảng gỗ, Rembrandt đã sử dụng nghệ thuật tương phản sáng tối, một nét đặc trưng trong những tác phẩm của ông ở thời kỳ này. Điều này còn giúp ta giải mã những thông điệp của người họa sĩ, từ những điều rõ ràng đến những ngụ ý ẩn dấu, tôn giáo và con người. Một mô-típ quan trọng khác chính là hai chiếc cột trụ xuất hiện trong cả hai bức tranh, tượng trưng cho đức tin vững chắc của chính người đang ngồi dưới chân nó. Chiếc cột trụ này được cho là chiếc cột trong nhà thờ Peterskerk ở Leiden, quê nhà của Rembrandt, nơi mà ông sống và làm việc lúc bấy giờ.
Buổi triển lãm sẽ bao gồm những mẫu vật, bản in của Rembrandt về những chủ đề tôn giáo và các tác phẩm sơn dầu của Peter Lastman, thầy của họa sĩ Rembrandt cũng như các tác phẩm của những học trò đã theo dấu chân ông.
(H.A trích nguồn Artdaily, J.N biên tập, 07/06/2015)