"Christ Carrying the Cross", Venetian, sơn dầu trên gỗ (có thể là cây bạch dương) của họa sĩ ??
Một bức tranh hiếm có niên đại từ thời kỳ Phục Hứng chưa từng được xuất hiện công khai trước đây, giờ đã được trao tặng cho bảo tàng National Gallery tại Anh Quốc và được đưa ra trưng bày.
“Christ carrying the cross” đã được tặng cho bảo tàng bởi Magnus Neill. Ông Neill, một quan khách trung thành và nhiệt tình với bảo tàng trong nhiều năm, nói: “Trong nhiều năm, những cuộc ghé thăm tới bảo tàng National Gallery đã đem lại cho tôi rất nhiều niềm vui. Tôi mong món quà này sẽ như một lời cảm ơn của tôi tới bảo tàng vì những gì bảo tàng(và bộ sưu tập của nó)đã đem đến cho tôi.”
Bức tranh có xuất xứ từ xưởng tranh của họa sĩ Giovanni và là phiên bản Venetian (tính từ-(thuộc) vùng Veneto, từng là một phần của cộng hòa Venice, giờ là một phần của Ý) đầu tiên được biết tới tại Anh Quốc. Bức tranh thuộc sở hữu của ông Neill từ năm 2002 và đây là lần đầu tiên nó được trưng bày một cách công khai.
Bức tranh mang tính chất mộ đạo, song, nó cũng được sưu tập bởi tính thẩm mỹ và dành cho việc thưởng thức nghệ thuật, bức tranh miêu tả nỗi thống khổ của Chúa này được đánh giá là một hình ảnh gây xúc động mạnh mẽ. Tác phẩm hoàn toàn không tồn tại tính chất “tự sự” trong nó, với một khung nền trống trơn và tối mịt, bức tranh đã ngay lập tức hướng sự chú ý của người xem tới “sự đau đớn” của Chúa.
Mặc dù các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được rõ danh tính của người họa sĩ đã sáng tác nên bức tranh này, nhưng dù tác giả là ai thì đó quả là một họa sĩ tài năng, sở hữu cả khả năng về mặt chuyên môn cũng như một tâm hồn đa cảm sâu sắc. Ý tưởng về bức tranh bắt nguồn từ họa sĩ bậc thầy người Venetian, Giovanni Bellini, tuy nhiên tác giả của bức tranh này-hẳn từng chịu ảnh hưởng từ họa sĩ Bellini-đã tạo nên dấu ấn của riêng mình trong một đề tài nghệ thuật đã được rất nhiều họa sĩ khác sử dụng.
Vào khoảng 25 năm cuối của thế kỷ XV, đây là một đề tài hội họa khá phổ biến trong các bức tranh của miền Bắc Italy. Đề tài này xuất hiện lần đầu tại Milan vào những năm 1480, với hình ảnh miêu tả chân dung vị Đấng Cứu Thế cùng một cây thánh giá đang trên đường tới Calvary, được thực hiện bởi một số xưởng vẽ nổi tiếng, trong số đó gồm có xưởng của họa sĩ Leonardo và Andrea Mategna; mỗi họa sĩ đã sáng tạo ra một phiên bản về đề tài theo cách của riêng họ.
Bà Caroline Campbell, người phụ trách mảng nghệ thuật hội họa Ý trước 1500 tại bảo tàng National Gallery, nói: “Có tổng cộng khoảng 65 biến thể của bức tranh gốc bởi họa sĩ Bellini và các thành viên trong xưởng tranh. Một trong những những phiên bản nổi tiếng nhất thuộc về bảo tàng Gardner tại Boston, được mua lại bởi bà Isabella Gardner-người sáng lập của bảo tàng-vào năm 1896 và bức tranh đã trở thành một tác phẩm mà bà yêu thích. Bà thường đặt một lọ hoa Vi-ô-let trước bức tranh, và phong tục đó đã được lưu giữ bởi bảo tàng suốt nhiều năm.”
"Christ Carrying the Cross" (1505-10) của Giovanni Bellini, phiên bản tại bảo tàng Gardner
Bức “Christ carrying the Cross” được đóng góp vào bộ sưu tập của bảo tàng với vai trò như một hình mẫu ví dụ hoàn hảo cho thể loại tranh tôn giáo thời Phục Hưng của Ý. Bức tranh sẽ không chỉ đưa bộ sưu tập tranh Venetian thời Phục Hưng lên một tầng cao mới, mà còn củng cố thêm những hiểu biết về xưởng tranh của họa sĩ Bellini, cũng như về những họa sĩ vĩ đại khác hoặc đã bỏ qua hoặc từng bị ảnh hưởng sâu sắc bởi bậc thầy nghệ thuật này.
Giám đốc của bảo tàng National Gallery, tiến sĩ Nicholas Penny, nói: “Bức tranh là một "câu đố" vô cùng thú vị mà hẳn một ai đó trong số 6 triệu quan khách của chúng tôi sẽ có thể giải được. Đồng thời, đó cũng là một hình ảnh tuyệt đẹp và sẽ khiến hàng ngàn người rung động, cũng như để lại những ấn tượng khó phai trong lòng khách tham quan. Chúng tôi vô cùng biết ơn ông Agnus Neill vì món quà đầy ý nghĩa này.”
“Christ Carrying the Cross” sẽ được trưng bày tại phòng số 62 của bảo tàng National Gallery bên cạnh các tác phẩm khác của họa sĩ Bellini, Mantegna và Cima.
"The Agony in the Garden" (1458-1460) của Andrea Mantegna
(H.A trích nguồn Artdaily, J.N biên tập, 27/03/2015)