da1

"Potrait of Isabella D'Este" của Leonardo da Vinci

Vào ngày 10/2, Corriere della Sera đã đăng tin về sự kiện một tác phẩm nghệ thuật-được cho là của họa sĩ Leonardo da Vinci-đã được tìm thấy trong hầm tiền của một ngân hàng tại thành phố Lugano (Thụy Sĩ). Các nhà chức trách Thụy Sĩ đã tiến hành tịch thu tác phẩm này theo yêu cầu của chính phủ Ý và tiết lộ đây là một bức tranh từng bị đưa trái phép ra khỏi nước Ý. Tác phẩm là một bức tranh sơn dầu, khổ rộng 61x46.5cm, trị giá từ €120-150 triệu.

Tác phẩm mất tích-bức chân dung của nữ hầu tước xứ Mantua, bà Isabella D’Este (Portrait of Isabella D’Este) đã trở thành một huyền thoại đối với nhiều nhà sử-nghệ thuật học, một số thậm chí còn nghi ngờ sự tồn tại của nó. Trên thế giới này chỉ có tất cả 23 bức tranh được công nhận hoàn toàn là tác phẩm của họa sĩ Leonardo da Vinci; vì vậy, một tác phẩm nữa được khẳng định là của da Vinci sẽ có tác động rất lớn đối với lịch sử nghệ thuật.

Bức tranh sơn dầu được cho là phiên bản cuối cùng của một bản phác hoạ chì về bà Isabella được Leonardo sáng tác năm 1499, hiện được trưng bày tại bảo tàng Louvre (Pháp). Sự tương đồng giữa hai bức chân dung (bức tranh sơn dầu và bản vẽ chì) tương đối rõ rệt, có thể nói là y chang nhau, nổi bật với nụ cười hiền hậu và bí ẩn trên khuôn mặt của bà Isabella được nhiều người so sánh với nụ cười trên bức Mona Lisa.

 

da2

Bản vẽ chì(1499)(hiện được trưng bày ở bảo tàng Louvre) và bức tranh sơn dầu của chân dung nữ hầu tước Isabella D'Este của họa sĩ Leonardo da Vinci

Bức tranh được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 10/2013 trong một bộ sưu tập tư nhân với 400 tác phẩm khác thuộc về một gia đình Ý và được giữ trong ngân hàng tại Lugano. Tại thời điểm đó, gia đình đã yêu cầu không được tiết lộ danh tính của họ. Chính quyền Ý đã được thông báo vài tháng trước đó rằng bức tranh đã được bán và chuyển tới Thụy Sĩ trong khi chưa có giấy phép xuất nhập cảnh.

Theo như Corriere della Sera, sau khi được chiêm ngưỡng các bức vẽ (bản phác chì nói trên) của da Vinci, nữ hầu tước Isabella D’Este-một người phụ nữ có tầm ảnh hưởng không nhỏ thời bấy giờ-đã nhờ họa sĩ Leonardo sáng tác phiên bản màu dầu của bức vẽ. Nhưng sau đó không lâu, người họa sĩ lại đắm mình vào những dự án quy mô lớn hơn như: bức tranh bị mất tích “The Battle of Anghiara” (1505) và Mona Lisa (1503-1517), do đó, trong hàng thế kỷ, các nhà sử-nghệ thuật học tin rằng người họa sĩ chưa từng hoàn thành nhiệm vụ đó.

da3

 

Bức “The Battle of Anghiara” (1505) của Leonardo da Vinci
da4
​Bức "Mona Lisa" (1503-1517) của Leonardo da Vinci

 

“Không còn nghi ngờ gì về việc bức tranh là một tác phẩm của Leonardo da Vinci”- Carlos Pedretti-cựu giáo sư về lịch sử nghệ thuật và là một chuyên gia về các công trình nghiên cứu của họa sĩ Leonardo tại đại học California nhận định. “Tôi có thể nhận ra tác phẩm được sáng tác bởi bàn tay của họa sĩ da Vinci ngay lập tức, đặc biệt là ở chi tiết trên khuôn mặt của người phụ nữ.”

da5

Bức tranh được giữ trong một hầm tiền của một ngân hàng tại thành phố Lugano (Thụy Sĩ)

Các xét nghiệm được đưa ra vào thời điểm đó đã chứng thực cho lời nhận định của giáo sư Pedretti. Song, ông Martin Kemp-cựu giáo sư chuyên ngành lịch sử nghệ thuật của đại học Trinity tại Oxford và cũng là một chuyên gia về da Vinci, lại có những nghi vấn nhất định.

Một trong những khía cạnh của bức tranh gây nảy sinh sự nghi ngờ đó chính là toan vẽ-họa sĩ Leonardo da Vinci thích sử dụng bảng gỗ hơn là toan vẽ. “Leonardo hay những người tham gia vào quá trình sáng tác của ông đều không dùng toan”- giáo sư Kemp nói với tờ The Telegraph năm 2013.

Theo như các chuyên gia, một ứng cử viên sáng giá khác cho ngôi vị tác giả của bức tranh là họa sĩ Gian Giacomo Caprotti, người từng làm việc cho da Vinci từ khi còn bé và được đồn rằng sau đó trở thành tình nhân của ông.

Bức tranh bị tịch thu lần này, theo sau một chuỗi các sự kiện khác gần đây đang dần tiết lộ cho ta nhiều tình tiết hơn về cuộc đời của họa sĩ Leonardo cũng như sự nghiệp của ông.

(H.A trích nguồn Artnet.com, J.N biên tập, 13/02/2015)