Một phần của cuốn Codex Leicester- bản thảo viết tay của Leonardo da Vinci
Vào ngày 24/1/2015, viện bảo tàng nghệ thuật Phoenix đã chính thức mở cửa cho khách vào buổi triển lãm “Leonardo da Vinci’s Codex Leicester and the Power of Observation”. Buổi triển lãm xoay quanh cuốn sách Codex Leicester-gồm 18 tờ giấy khổ rộng gấp đôi và có hai mặt (có tổng cộng 72 trang). Đây là những bản thảo viết tay duy nhất của Leonardo có trong một bộ sưu tập tư nhân tại Mỹ, và cũng là một trong những bản thảo khoa học quan trọng nhất thế giới.
Tập trung chủ yếu về những nghiên cứu của Leonardo về nước và mặt trăng, các trang sách thể hiện sự tiến triển sáng tạo của da Vinci, cách mà ông lý luận về các khái niệm và cách mà ông đã gợi nguồn cảm hứng cho nhiều họa sĩ qua các thế kỷ. Bên cạnh cuốn Codex Leicester là các tác phẩm nghệ thuật của các họa sĩ khác như Claude Monet, Gustave Courbet, Ansel Adam ,Bill Viola,v.v. Ngoài ra còn bao gồm một số các bức tranh, ảnh và các đoạn video miêu tả một loạt các sự vật như nước, sóng, vỏ sò, hạt tiêu, sữa, mạch nước phun, lá, cát, biển và mặt trăng. Bức tranh cổ nhất trong số các tác phẩm được trưng bày là tác phẩm “Massive View of Venice” (1500) của Jacopo de’ Barbari; bức ảnh in đầu tiên nhận được bản quyền và là tác phẩm mới nhất là “After the Mona Lisa 8” (2010) của Devorah Sperber, một bức tranh được cấu tạo từ hơn 1400 ống chỉ. Buổi triển lãm sẽ giúp các khách tham quan được hiểu rõ hơn về cách mà các họa sĩ hiện đại vẫn tiếp tục nghiên cứu và áp dụng các kỹ năng quan sát của Leonardo da Vinci.
Không còn nghi ngờ gì khi nói rằng Leonardo da Vinci (1452-1519) là một trong những con người thú vị và kích thích sự tò mò nhất từ trước tới nay. Là một con người tài giỏi và lỗi lạc trong lĩnh vực nghệ thuật, khoa học và kỹ sư chế tạo, ông đã được thúc đẩy bởi tính hiếu kỳ sâu sắc của bản thân đối với thế giới xung quanh ông, ghi lại những quan sát của ông vào vô số các tập giấy mà sau này được tổng hợp lại thành các bản thảo hay sổ tay. Buổi triển lãm sẽ cho ta thấy lối suy nghĩ chủ động và phương pháp làm việc của da Vinci, được định nghĩa qua ba điểm nổi trội: tính tò mò, sự thích quan sát một cách trực tiếp, và tính cẩn thận trong việc ghi chép trên giấy tờ. Các điểm trên là những phần vô cùng quan trọng của tiến trình sáng tạo của da Vinci và chính chúng đã mở đường tới những khám phá và phát minh vĩ đại. Ông Jerry Smith, người phụ trách mảng nghệ thuật Châu Âu và Châu Mỹ tới năm 1950 và mảng nghệ thuật của miền tây Mỹ tại bảo tàng Phoenix nói: “Buổi triển lãm cuốn Codex Leicester của Leonardo này sẽ gây chấn động bởi cách nó được trình bày, đưa Leonardo vào một môi trường với phạm vi nghệ thuật rộng rãi sẽ giúp ta hiểu hơn về ảnh hưởng của Leonardo tới các họa sĩ khác sau này.”
Mục đích của buổi triển lãm lần này là tạo nên sự gần gũi giữa da Vinci và cuốn Codex Leicester với các vị khách thăm quan. Họ sẽ được tham gia vào các chương trình được phát triển xoay quanh cuốn Codex Leicester. “Leonardo quả là một bậc thầy trong thời kỳ Phục Hưng và minh chứng của sự uyên bác đó là cuốn Codex Leicester.”-lời của James K. Ballinger, giám đốc của bảo tàng nghệ thuật Phoenix. Ông nói thêm: “Đây sẽ là lần đầu tiên một sản phẩm của Leonardo được trình diễn tại Arizona, và chúng tôi rất hài lòng khi bảo tàng có thể tạo điều cho để mọi người hiểu hơn về vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt đối với nguồn nước trong tương lai. Đây thực sự là một dự án ý nghĩa .”
Buổi triển lãm “Leonardo da Vinci’s Codex Leicester and the Power of Observation” sẽ mở cửa từ ngày 24/1 tới ngày 12/4/2015.
(H.A trích nguồn Artdaily.com, J.N biên tập, 27/01/2015)