g1
Tượng sáp đại tướng Võ Nguyên Giáp
Tại 45 Tràng Tiền, Hà Nội đang diễn ra triển lãm các tác phẩm nghệ thuật dành cho hai vị đại tướng đầu tiên của quân đội Việt Nam, đại tướng Võ Nguyên Giáp và đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

g2

Tranh sơn dầu của hoạ sĩ Duy Minh hoạ lại chân dung đại tướng Võ Nguyên Giáp

Bức chân dung sơn dầu vẽ đại tướng Võ Nguyên Giáp được hoạ sỹ Duy Minh vẽ theo phong cách cổ điển. Thần thái của vị đại tướng, người dẫn dắt 34 người lính đầu tiên của quân đội Việt Nam, đã trở thành trung tâm, thành điểm nổi trội nhất của bức tranh, và đó cũng là điểm khó nhất mà mỗi hoạ sỹ đều muốn đạt được khi vẽ chân dung. Chất liệu sơn dầu với tông màu phối trộn đậm chất cổ điển châu Âu, khuôn mặt vẽ sáng và là trung tâm lan toả, phủ dần khắp lên nền màu tối phía sau hình bóng chân dung, là những kỹ thuật hội hoạ cổ điển được Duy Minh khai thác và thể hiện thành công.

 

g3

Thần thái của vị đại tướng đã trở thành điểm nổi trội nhất của bức tranh

g4
 

Bức tranh sơn dầu về chiến trường Điện Biên Phủ

Một tác phẩm hội hoạ miêu tả một trận đánh trên chiến trường Điện Biên Phủ được treo bên phải bức chân dung đại tướng Võ Nguyên Giáp một cách có chủ đich. Bức tranh vẽ với chất liệu sơn dầu theo phong cách hiện thực. Rất nhiều chi tiết trong một trận đánh tại Điện Biên Phủ: súng, người lính, lá cờ rách, đất cát, khói lửa,... được tái hiện rất thực cho tới cả những rải băng dính máu quấn trên đầu người lính. Theo quan điểm của tôi, muốn hiểu tinh thần của tác phẩm hội hoạ hãy quan sát nhân vật trung tâm, ở đây họa sỹ đã tái hiện hình ảnh một người lính với quần áo tả tơi, khuôn mặt ám khói, đầy bụi đất, ánh mắt quyết liệt dường như đang dồn hết cho một trận đánh cuối cùng... quyết tử vì độc lập cho dân tộc. Màu sắc bức tranh dựa chủ yếu trên bốn tông màu, đen, vàng, đỏ, xanh lá, giống như màu sắc chiến trận kinh điển các bậc thầy như Raphael thời Phục hưng, như Francis Goya thế kỷ 18,... Cách xử lý màu của hoạ sỹ đã toát nên vẻ khốc liệt của chiến trận và dấu ấn thời gian.

g5

Cách xử lý màu của hoạ sỹ đã toát nên vẻ khốc liệt của chiến trận và dấu ấn thời gian 

photo_copy_7

Bức tranh về đại tướng Nguyễn Chí Thanh của hoạ sĩ Duy Minh

Vị đại tướng thứ hai của quân đội Việt Nam được chủ tịch Hồ Chí Minh phong hàm là đại tướng Nguyễn Chí Thanh, vị tổng tham mưu trưởng quân đội đã dẫn dắt hàng vạn chiến sỹ đi xuyên suốt bốn thập kỷ giành độc lập thống nhất đất nước. Hoạ sỹ Duy Minh đã vẽ đại tướng huyền thoại với một khung toan khổ lớn. Phong cách vẽ là sự phối trộn giữa hiện thực và ấn tượng. Trên một nền không gian với rất nhiều cảnh vật và chi tiết khắc hoạ khung cảnh thời chiến trên chiến trường được vẽ theo phong cách hiện thực là chân dung vị đại tướng vẽ bằng bút pháp ấn tượng. Ánh mắt, hướng nhìn, vết hằn thời gian trên da mặt đã được hoạ sỹ cố gắng để toát lên cốt cách của đại tướng. Nhưng có lẽ điểm thành công nhất của tác phẩm chính là tư thế, dáng dấp rất động của ông, cái đó toát lên cái chất tiêu biểu của ngừời lính cụ Hồ, vị tổng tham mưu trưởng quân đội,  cả đời binh nghiệp là lăn lộn trên khắp chiến trường. Trên bức hoạ này, màu sắc chủ đạo là xanh với nhiều sắc thái xanh khác nhau: xanh của cỏ cây tan hoang, xanh xám của cảnh vật ám khói chiến trận, xanh u ám của bầu trời, thậm chí cả màu xanh mai mái của da người lính dấu ấn của những trận sốt rét rừng,...có lẽ hoạ sỹ vẫn còn nhiều trăn trở với bức tranh này.

g6

Ánh mắt, hướng nhìn, vết hằn thời gian trên da mặt đã được hoạ sỹ cố gắng để toát lên cốt cách của đại tướng

g7

 Nhưng có lẽ điểm thành công nhất của tác phẩm chính là tư thế, dáng dấp rất động của ông

Ngày đầu tiên của năm mới 2015, những người yêu hội hoạ Hà Nội được ngắm những bức tranh này dường như đều cảm nhận rất rõ một dấu hiệu mơ hồ nào đó về sự chuyển biến trong hội hoạ Việt Nam. Với những tác phẩm hàm chứa những tinh thần dân tộc Việt Nam mạnh mẽ. Còn ở khía cạnh chất lượng tác phẩm mỹ thuật thì đã thể hiện rất rõ những giá trị nghệ thuật đích thực. Một tín hiệu tích cực và hy vọng sẽ lan toả mạnh mẽ. Xin chúc mừng năm mới.

 

( Bài viết bởi Philip Nguyễn, J.N biên tập, 06/01/2015)