Bức chân dung của nàng Cecilia được vẽ vào năm 1489/1490 bởi danh họa bí ẩn Leonardo da Vinci là một trong số các di sản văn hóa kiệt xuất ông để lại cho nền hội họa thế giới. Bức tranh chứa đầy sự tinh tế và đầy ẩn ý được Leonardo diễn đạt bằng ngôn ngữ hội họa, đặc biệt hơn, ông phá vỡ những cách thức vẽ chân dung phổ biến giai đoạn ông sống, vì ông đã đem đến một bức chân dung không phải như vẽ một cô dâu Cecilia mà là một người tình bí mật của Ludovio Sforza.
Leonardo da Vinci đã tạo ra sự bứt phá trong phong cách vẽ chân dung của ông so với truyền thống, cách sắp đặt cứng nhắc là phần đầu và phần thân trên cùng quay về một hướng. Trong bức tranh nàng Cecilia, đầu nàng và phần thân trên hướng về hai hướng khác nhau: phần thân trên cơ thể hướng về bên trái, phần đầu hướng về bên phải. Chân dung nàng Cecilia vì vậy đã tạo nên cảm giác nàng đang sống, chuyển động trước mắt người xem, bức tranh đã tạo nên luận thuyết vẽ tranh của riêng Leonardo da Vinci. Sự nổi tiếng rộng khắp về bức tranh không phải chỉ đến từ chân dung nàng Cecilia mà còn một phần là sự xuất hiện đầy chuyển động của con chồn màu trắng ermine đang áp mình bên người đàn bà trẻ. Sự thanh tao, quý phái của nàng Cecilia đã được làm tăng lên bởi hình ảnh bàn tay lớn của nàng che trở cho con chồn nhỏ bé, cử chỉ đồng điệu của bàn tay nàng và chân trái trước của con chồn thể hiện hàm ý của sự tin tưởng, chấp thuận lẫn nhau.
Sự xuất hiện của con chồn trong tranh còn có một hàm ý khác mô tả họ của nàng Cecilia, bởi vì âm tiết Galle-rain gợi nhắc đến âm của từ con chồn trong tiếng Hy lạp là Gallée. Mặt khác con chồn còn là biểu tượng của sự thanh khiết và sạch sẽ, mà theo đó, nó rất ghét cái bẩn và chỉ ăn một lần duy nhất trong ngày. Leonardo đã đề cập đến những phẩm chất của con chồn trong một bản viết tay của ông, trong đó ông viết những ghi nhớ về những điểm ngụ ý quan trọng (có tính chất biểu tượng) về những con vật. Sự thuần khiết mang tính truyền thuyết của con chồn cũng từng được Leonardo thể hiện trong một bức tranh ông vẽ bằng bút chì năm 1490, ngụ ý rằng, con chồn thà bị đánh chết còn hơn làm bị bẩn bộ lông trắng của nó trong nước bẩn.
Con chồn trong cánh tay nàng Cecilia không chỉ hàm ý là một con chồn Ermine, mà nó còn là một biểu tượng của sự thuần khiết và tiết hạnh. Nó chính là ám chỉ hình ảnh của người chủ bức tranh, Ludivico, cũng là người tình của nàng, được vuốt ve âu yếm trong vòng tay nàng Cecilia. Phương pháp biểu tượng so sánh phức tạp của bức chân dung này, và hình ảnh nâng niu chiều chuộng mà bức tranh thể hiện, giải thích cho một thực tế rằng nàng là người tình bí mật của Ludivico Sforza. Cecilia Bergarmini sinh 1473, lúc 10 tuổi nàng đã được đính hôn với Giovanini Stefano Visconti. Việc đính hôn này đã bị hủy bỏ vào năm 1487, không lâu sau đó khoảng 1489 nàng trở thành người tình bí mật của Ludivico Sforza, người đã đính hôn với Beatrice d’Este (1475-1497) từ năm 1480. Đám cưới long trọng, chính thức giữa Ludivico và Beatrice d’Este đã bị hoãn vào năm 1490 mà hậu quả của nó là mối quan hệ giữa Ludivico và Cecilia. Vì vậy công sứ Ferrarese tại Milan, Giacomo Trotti, đã viết vào tháng 11/1490 rằng Ludivico đã không toàn tâm cho đám cưới mà coi nàng Cecilia như là một tinh yêu đích thực, là bông hoa và hơn thế nữa và có thai cùng nàng. Để tránh sự nổi giận của cô dâu tương lai Beatrice, trong năm 1491 Cecilia đã rời khỏi nơi ở của một công tước, như một sự đề phòng, và về nơi ở mới, nơi ngày 3/5 cô đã sinh một câu con trai, Ceasare.
Có vô số cách suy luận về biểu tượng con vật, tuy nhiên chúng ta có một tổng kết quan trọng như sau: Carlo Pedretti (1990) hiểu bức tranh như là một ngụ ý chính trị của mối quan hệ giữa Fedinand I của Naples và Ludivico il Moro, người của Fedinand đã được chỉ định là một thành viên của “Order of the Ermine” vào năm 1488. Một sự tìm tòi rất khác về tư duy được thuyết phục bởi Krystina Moczulka (1995), người đã đánh giá tầm quan trọng của con chồn và con chồn trong văn học cổ điển và trong niềm tin của công chúng và người liên quan trực tiếp đến con vật biểu tượng trong hoàn cảnh của nàng Cecilia dẫn đến cái thai của nàng. Cecilia vì vậy đã liên quan đến câu chuyện nàng Alcmena trong Ovid’s metamorphoses và Aelian’s De natura animalium. Nàng Alcmena đã được mang thai với chúa tể các vị thần là thần Zeus, chồng của nữ thần Hera, nữ thần đã chống lại sự ra đời của đứa bé, Hercules. Nữ thần Hera đã nhận được sự trợ giúp của người hầu Galathis, người mà sau đó biến thành một con chồn. Trong niềm tin của công chúng, hoàn cảnh của Cecilia và Ludivico 1489/1890 lúc đó tượng tự, và con chồn là một con vật bảo vệ người phụ nữ mang thai.
Kỹ thuật bậc thầy của Leonardo da Vinci chất đậm trong, nàng Cecilia có khuôn mặt quý phái với cái trán rộng, cặp mắt trong sáng, chiếc mũi nhỏ gọn cân đối với làn môi, cái cằm hướng về trước toát lên khí chất thông minh và cả sự bướng bỉnh bằng ý trí với tình yêu của nàng cho người tình. Cái miệng với làn môi mím chặt là hàm ý sự khiêm nhường, kín đáo, chấp thuận, nó như một mô tả khôi hài về tính cách của phụ nữ thích nghe hơn nói, như một thông điệp im lặng là sự lịch thiệp. Hãy nhìn kỹ vào bàn tay nàng, ta như thấy cả đường gân, thớ thịt, mạch máu chảy phập phồng dưới làn da trắng của nàng, quả là một kỹ thuật vẽ bậc thầy. Con chồn có cặp mắt thật sắc, tinh quái cùng những móng vuốt nhỏ sắc nhọn của những cái chân cơ bắp săn chắc đang bấu chặt không cho nàng dời xa, đó chính là biểu tượng hoàn hảo cho một người tình bí mật. Hướng nhìn của cái đầu con chồn cùng hướng nhìn của nàng Cecilia càng làm tăng thêm những ẩn ý. Nền tranh được sơn màu xanh đen thẫm, đối lập với sắc bừng sáng của nàng và con chồn, càng làm nổi bật sự cuồng nhiệt đang bùng nổ trong vẻ ngoài quý phái, lạnh lùng pha chút nhẫn nhịn của nàng Cecilia.
Bức tranh có kích thước 55 x40.5 cm, được vẽ bằng sơn dầu trên một tấm gỗ làm từ những mẩu gỗ nhỏ của cùng một cây gỗ óc chó, cho đến ngày nay, bức tranh vẫn hoàn hảo.
Bức tranh mang những biểu tượng và ẩn ý kinh điển của bậc thầy hội họa đã trở thành hình mẫu trong tranh của những họa sỹ thuộc hội họa hiện đại. Chúng ta hãy cảm nhận nét tương đồng và sự thể hiện thành công của các bức tranh nổi tiếng của họa sỹ trên thế giới và Việt nam: bức tranh cô gái và con chó trắng của Lucian Freund (1924-2011) vẽ năm 1951/1952, bức tranh cô gái và con chó trắng của Lê Huy Tiếp (1951) vẽ năm 1976.
Cô gái và con chó trắng, sơn dầu, 1951/1952, Lucian Freund (1924-2011)
Cô gái và con chó trắng, sơn dầu, 1976, Lê Huy Tiếp (1951)
Bằng cảm nhận của riêng tôi,họa sỹ Lucian Freund, họa sỹ Lê Huy Tiếp của Việt Nam đã học hỏi rất thành công kỹ thuật hội họa biểu hiện của những danh họa bậc thầy như Leonardo da Vinci.
(Nguồn: Tác phẩm Leonardo da Vinci của Frank Zolner, 2012, Tác phẩm Lucian Freund của Sebastian Smee,2012, và TS. Philip Nguyễn từ www.ramgallery.net)