Christie’s đã tổ chức phiên đấu giá đầu tiên vào ngày 27/9/2013 như kế hoạch đã định. Doanh số đấu giá đạt 27,5 triệu đô la Mỹ, cùng ngày với lễ tuyên bố thành lập khu vực tự do thương mại tại Thượng Hải


Zeng-Fanzhi-Bicycle-410

Bicycle của họa sỹ Zeng Fanzhi’s được bán với giá 1.5 triệu đô la Mĩ (với giá ước tính ban đầu của nhà đấu giá Christie’s là thu về khoảng 960,000 đến 1.45 triệu đô la Mĩ

Sau khi trở thành Nhà đấu giá nước ngoài đầu tiên giành được giấy phép kinh doanh tại đại lục của chính phủ Trung Quốc vào tháng 4/2013 bằng chiến lược tiếp thị toàn cầu (xem bài: Nhà đấu giá Christie's và chiến lược tiếp thị hoàn hảo),Christie’s đã tổ chức phiên đấu giá đầu tiên vào ngày 27/9/2013 như kế hoạch đã định. Doanh số đấu giá đạt 27,5 triệu đô la Mỹ, tương đương 168.9 triệu Nhân dân tệ, chưa bao gồm thuế và các khoản phí. Phiên đấu giá có giá trị hơi nhỏ khi so sánh với các phiên đấu giá thông thường diễn ra tại London và New York, nhưng dù sao nó cũng đã vượt qua mức ước tính ban đầu là 16 triệu đô la Mĩ của nhà tổ chức. Khoảng hai phần ba số người tham dự đấu giá đến từ Trung Quốc đại lục, và còn lại đến từ các các nước Châu Á khác, cũng như từ Châu Âu và Mỹ.

43 lô hàng gồm rượu vang, đồ trang sức, đồ vật trang trí và các tác phẩm nghệ thuật phương Tây và Châu Á đã được đấu giá. Bức tranh Homme Assis của Picasso đã được trả giá 1,9 triệu đô la, vượt xa so với mức dự báo ban đầu là 1,9 triệu đô la. Tác phẩm Diamond Dust Shoes của họa sỹ dòng tranh Pop-art là Andy Warhol đã đạt được ngưỡng giá dự tính là 784,146 đô la Mĩ.

Các tác phẩm nghệ thuật đương đại Châu Á đã đạt được những con số bán hàng ấn tượng. Tác phẩm By the River II, 1982 của nghệ sỹ Cheong Soo Pieng  người Singapore đã được đẩy lên tới mức giá 667,073 đô la Mĩ trong khi ước tính ban đầu là từ 97,000 đến130,000 đô la Mĩ, đây là một kỷ lục thế giới của nghệ sỹ này. Tác phẩm Fatman, tác phẩm đạt kỷ lục thế giới về kích thước, của nghệ sỹ Nyoman Masriadi người Indonesia đã được bán với giá 745,121 đô la Mĩ vượt xa so với mức dự tính ban đầu 220,000 đến 260,000 đô la Mĩ. Ngôi sao nghệ thuật người Trung Quốc là Cai Guo-Qiang đã gây ra một cú sốc cho phiên đấu giá với giá bán 3.4 triệu đô la Mĩ cho tác phẩm Homeland, doanh thu từ bán tác phẩm này được sử dụng để khai trương một bảo tàng nghệ thuật đương đại tại tỉnh Quảng Châu, quê hương của nghệ sỹ. Các tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sỹ đương đại Trung Quốc cũng được bán với giá rất tốt, ví dụ như tác phẩm Bicycle của họa sỹ Zeng Fanzhi’s được bán với giá 1.5 triệu đô la Mĩ (với giá ước tính ban đầu của nhà đấu giá Christie’s là thu về khoảng 960,000 đến 1.45 triệu đô la Mĩ.

Phiên đấu giá đã diễn ra cùng thời điểm với việc chính phủ Trung Quốc chính thức làm lễ công bố mở Khu Vực Tự Do Thương Mại Thượng Hải (Mục tiêu biến Thượng Hải trở thành khu kinh tế tương đương với Hong Kong), tại khu vực quận tài chính Pudong. Câu hỏi đặt ra liệu chính phủ Trung Quốc có nới lỏng mức thuế áp cho các việc mua bán các tác phẩm nghệ thuật tại khu vực tự do thương mại này hay không? Ngài Tổng Giám đốc của Christie’s đã phát biểu ‘Kinh nghiệm của chúng tôi trên toàn thế giới, từ Pháp tới Brazil và Ấn độ, thì chính sách càng cởi mở thì sự dịch chuyển của nghệ thuật tại quốc gia đó càng nhanh, đó là tác động tốt hơn cho văn hóa bản địa. Chúng tôi kỳ vọng những quy định tốt hơn sẽ được áp dụng. Một khu vực tự do (hàm ý Thượng Hải) mới chỉ tạo ra cảm nhận chung chung.”

Tại Việt Nam chúng ta chưa có thị trường đấu giá các tác phẩm nghệ thuật, và một dòng tiền chưa được kiểm đếm (số lượng không nhỏ hàng năm) đã đang chảy ra nước ngoài để mua các tác phẩm nghệ thuật tại các phiên đấu giá của Christie’s hay Sotheby’s, để mua chính các tác phẩm của các danh họa Việt Nam hay các cổ vật của Thế giới, vì thực tế chúng ta không cấm nhà đầu tư trong nước tham gia mua các tác phẩm nghệ thuật để đemvề Việt Nam. Câu hỏi là tại sao Việt Nam chúng ta lại chưa có một thị trường- Các Chợ mua bán các tác phẩm nghệ thuật chính thống? Trong khi nếu có Các Chợ này, như là Chợ Đấu Xảo từng tổ chức tại Hà Nội những năm 1920, thì chắc chắn chúng ta sẽ có ít nhất 5 cái lợi:

Một là làm minh bạch hóa nguồn gốc tác phẩm nghệ thuật/cổ vật, từ đó minh bạch hóa giá trị nghệ thuật đích thực của tác phẩm nghệ thuật/cổ vật, bảo vệ được các giá trị văn hóa đích thực của Việt Nam trên trường Quốc tế, lấy lại danh tiếng đã đang bị lu mờ;

Hai là định lượng công khai giá trị các tác phẩm nghệ thuật/cổ vật;

Ba là Nhà nước thu được ngân sách qua các giao dịch việc mua bán và giảm dòng ngoại tệ chảy ra nước ngoài;

Bốn là tạo dựng được một sân chơi chính thức, thu hút được dòng tiền lớn từ trong nước và nước ngoài.

Năm là kích thích sáng tạo nghệ thuật đích thực của các nghệ sỹ Việt Nam, tạo dựng lại bản sắc sáng tạo riêng của Mỹ thuật Việt Nam (khác với sáng tạo theo đơn đặt hàng như hiện nay), từi đó có cơ hội cho nghệ sỹ Việt Nam khẳng định giá trị nghệ thuật Việt qua việc bán các tác phẩm tại các sàn đấu giá Quốc tế như các bậc tiền bối Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Bùi Xuân Phái,...


Nguyễn Đức Tiến – Học viên Học viện Nghệ thuật Sotheby’s, Nhà đấu giá Sotheby’s, 29/9/2013