photo

Không quá ngạc nhiên khi một đất nước bắc Phi, ven bờ biển Địa Trung Hải với khí hậu nóng vào mùa hè, ấm và ẩm vào mùa đông lại thực hiện ý tưởng tham gia vào thị trường nghệ thuật thế giới qua con đường mở bảo tàng nhiếp ảnh và Nghệ thuật thị giác (tập trung vào là lens-based media-truyền thông qua ống kính): Bởi Ma rốc đã từng được tiếp thị với cả thế giới biết qua bộ phim xếp vào dòng kinh điển của Nghệ thuật thứ bẩy có tên Casablanca. Casablanca chính là tên của thủ đô kinh tế của Ma rốc; Và  bởi một trong hai ngành công nghiệp đóng góp chính cho Ma rốc là Du lịch, năm 2006 ngành du lịch nơi đây đã đón 6,2 triệu lượt khách du lịch với doanh thu 6,1 tỷ đô la Mỹ, và kế hoạch đạt 10 triệu khách du lịch năm 2010 (chưa có số liệu cập nhật).

 

marrakech-photo-museum-1

Thiết kế mới của bảo tàng nhiếp ảnh và Nghệ thuật thị giác, đặt cạnh vườn Menara có từ thế kỷ 12

Thành phố Marrakech là thành phố lớn thứ tư của Ma rốc, thành phố mệnh danh là thành phố của những đế chế cổ đại, nơi đây còn có rất nhiều di tích là các cung điện. Địa danh này là nơi người Pháp thích tới định cư khi có tuổi, có khoảng một vạn nguời Pháp sinh sống, đó là chưa kể đến hàng ngàn người Thuỵ sỹ, Đức, Anh. Chính quyền Ma rốc chính thức thành lập bảo tàng có tên Marrakech Museum, bảo tàng sẽ tập trung sưu tập những tác phẩm Ảnh và tác phẩm Nghệ thuật thị giác.

 

marrakech-photo-museum-2

Không gian bảo tàng mới, thiết kế bởi David Chipperfield

Trên nền một bảo tàng cũ kỹ, bảo tàng mới này đang đuợc xây với với mục đích cống hiến cho nghệ thuật nhiếp ảnh. Trong bước tiếp thị với thế giới nghệ thuật trên toàn cầu, Ma rốc đã thuê kiến trúc sư hàng đầu nước Anh là David Chipperfield thiết kế bảo tàng Nghệ thuật thị giác và Nhiếp ảnh này. Ma rốc cũng chọn một địa danh lịch sử nổi tiếng, thu hút du khách là Vuờn Menara có từ thế kỷ thứ 12, và đặt bảo tàng này bên cạnh khu vườn, bảo tàng dự kiến mở cửa trong năm 2016.

“Bảo tàng sẽ tập trung sưu tập ba thể loại nhiếp ảnh và truyền thông qua ống kinh, bao gồm cả tác phẩm ảnh tĩnh và động: kiến trúc và thiết kế; ảnh báo chí; thời trang và văn hoá” theo lời thông cáo báo chí của bảo tàng.

Một bảo tàng có thành công hay không, không đơn giản chỉ dựa vào hiện vật trưng bày hay thiết kế của bảo tàng, mà vấn đề truyền thông và tài trợ cho nó mới làm cho nó có danh tiếng và phát triển ra thế giới. Về vấn đề tài trợ cho dự án, nữ phát ngôn của dự án đã nói rằng bảo tàng được tài trợ và tiếp tục nhận tài trợ từ một số các cá nhân và tổ chức.

Một chiến lược tiếp thị và xây dựng dài hơi của bảo tàng đó là bảo tàng dự kiến sẽ ra mắt chương trình học bổng với đối tác là trường đại học University of Arizona, Mỹ nhằm thúc đẩy các sinh viên người Ma rốc tham dự các khoá nghiên cứu tại các tổ chức nghệ thuật trên khắp thế giới.

 

marrakech-badii-palace

Baddi Palace cung điện cổ, nơi đặt tạm không gian triển lãm nhiếp ảnh.

Trong khi đó, các quan chức của bảo tàng đã lập ra một không gian triển lãm tạm thời dự kiến mở cửa vào tháng tới tại Badii Palace trung tâm của Marrakech với việc trình diễn các tác phẩm nhiếp ảnh của mười nhiếp ảnh gia đương đại trong đó có Hicham Gardaf và Leila Sadel. Cuộc trình diễn được tài trợ bởi chuỗi khách sạn sang trọng Sofitel. Một cuộc triển lãm các tác phẩm nghệ thuật bởi các nhiếp ảnh gia đến từ Đại diện nhiếp ảnh có đẳng cấp thế giới là Magnum sẽ được trình diễn tiếp trong tháng mười một.

Nhìn nhận việc một bảo tàng mới ra đời sẽ còn thiếu những nguồn tư liệu, cộng với việc văn hoá Ma rốc ảnh hưởng nhiều bởi văn hoá Pháp, bởi đât nước này có hai ngôn ngữ chính là Arab và Pháp, thì đây cũng có thể là một cánh cổng mới, dễ mở cho những nhiếp ảnh gia Việt Nam tham gia tiếp thị mình với thế giới nghệ thuật toàn cầu.

(Nguồn: Bài viết thực hiện bởi Nguyễn Đức Tiến – HV Học viện nghệ thuật Sotheby’s)