Chiều nay lúc 17 giờ 17 phút ngày 17/7/2013 đã khai mạc triển lãm mang tên “SƠN TA” trưng bày 38 tác phẩm tranh sơn mài sử dụng một trăm phần trăm nguyên liệu Việt.  Ông Trần Khánh Chương chủ tịch hội MTVN phát biểu “ 10 ngày trước tại đây (Bảo tàng Mĩ thuật Hà Nội) tôi đã dự khai mạc triển lãm “SƠN TA” của nhóm các họa sỹ đến từ trường Mỹ thuật Công Nghiệp, và hôm nay là của nhóm các họa sỹ đến từ trường Mĩ thuật Yết Kiêu, với các bức tranh có đầu tư tư duy sáng tạo vượt lên, mới lạ, chứ không phải là tiếp tục cái cũ hay phát triển trên những cái đã có,…, có lẽ đây sẽ đánh dấu một bước mới của phát triển dòng tranh sơn mài Việt sau một thời gian lâu rồi trầm lắng .”

Bằng trực quan, khi ngắm tranh khách xem dễ cảm nhận thấy điều như ông chủ tịch hội nói về các họa sỹ “tư duy sáng tạo vượt lên”, bởi hơi thở của cuộc sống đương đại đã vào trong tranh, kể cả những điều thầm kín, u uất, phá bỏ cái tư duy ‘sơn mài’ chỉ dành cho những đề tài thấm đầy những chuẩn mực vẻ đẹp hay giáo lý.

DSC07587
 

Bức tranh Tuổi mười bẩy của họa sỹ Đoàn Văn Nguyên dường như đang cố chứng minh, chất liệu sơn ta nhưng vẫn đầy đủ khả năng để thể hiện vẻ đẹp cơ thể đầy sức sống, của thiếu nữ thời hiện đại. Tranh có cách thể hiện thiếu nữ giống phong cách họa sỹ Monet thế kỷ 19.

DSC07617
 

Bức tranh Nghỉ trưa của họa sỹ Nguyễn Đức Việt phản ánh một góc nhìn về tầng lớp mưu sinh nơi đô thị, tranh có bố cục cân đối, màu sắc không tạo vẻ gì u uất cả, dù ta thấy vết thời gian trên bức tranh.

DSC07599
 

Bức tranh Mèo của họa sỹ Đoàn Thu Hương làm cho người xem hơi giật mình bởi nó giống với phong cách vẽ các con vật của họa sỹ thời kỳ Đông Dương hiệncòn sống là Nguyễn Tư Nghiêm. Cách thể hiện con mèo dường như cố gắng lột tả điều gì đó gồ ghề, gai góc hơn là biểu đạt một hình tượng con mèo đời thường, đây là cái khác của họa sỹ so với bậc tiền bối.

DSC07606
 

Bức tranh Kén của họa sỹ Ngô Hải Yến thể với màu sắc rất trẻ, hiện đại, không còn dấu vết của sắc màu vàng vàng, nâu nâu cánh dán, đo đỏ của sơn mài truyền thống. Tranh thể hiện một khuôn mặt, con mắt bị quấn, kéo, giằng bởi những dải dây, tạo cảm giác như nghèn nghẹt, giằng giật, đầy ‘stress’, bế tắc, không biết đi đâu, về đâu. Và một con chim nhỏ tự do đậu trên dải dây, tạo sức đối trọng với toàn bộ tranh, đó phải chăng là ý đồ của tác phẩm. Ai yếu tim sẽ không thích bức tranh này.

DSC07610
 

Bức tranh Những Quý Bà của họa sỹ Nguyễn Tú Quyên thể hiện sự phá cách hoàn toàn đối với chuẩn mực vẽ vẻ đẹp hình thể cổ điển. Tranh thể hiện những lớp da, mỡ  thừa thãi, đầy no đủ của những quý bà thời hiện đại, phong cách phóng đãng. Tranh là một câu truyện mới về một xã hội hiện đại được kể bằng ngôn ngữ hiện thực phê phán của các nhà văn trước năm 1945.

DSC07594
 

Bức tranh SEN của họa sỹ Nguyễn Trà My, màu sắc và chất liệu thẫm đãm chất truyền thống, đen, đỏ, nâu, miêu tả những bông sen tàn, còn trơ lại ngó héo queo, sẽ chẳng có gì mới nếu tác giả không thể hiện bức tranh bằng một cách khá ấn tượng: tranh như một phiến đá được xẻ ra làm đôi, hai mặt đối xứng của phiến đá làm nên mộtt bức tranh hoàn hảo về một đời SEN. Tranh tạo cảm giác ‘khó chịu’ vì bắt người xem phải tìm tòi…

 

DSC07602

Bức tranh CHUYỆN TÌNH CỔ LOA của họa sỹ Nguyễn Trường Linh đã khá gây ấn tượng với người xem bởi kích thước đồ sộ 200 x 120 cm, xắp đặt trên một khung rất phá cách, phóng khoáng, nhưng lại thể hiện một câu chuyện truyền thuyết lịch sử lâu đời, bằng những chất liệu SƠN TA dân gian công với SƠN TA mới tìm thấy. Tranh thuyết phục người xem bởi bố cục, màu sắc, các biểu tượng, bởi sự dày công ‘mài ’ của họa sỹ đã tạo ra một bức tranh rất đa sắc, trong trẻo và sâu. Khách xem đều cảm nhận thấy rõ nét một nàng Mỵ Châu xứ Việt dâng hiến cho đến tận lúc chết cùng những chiếc lông chim bay tứ tung xen lẫn những mũi tên nỏ thần và đối diện là một Trọng Thủy phương Bắc đeo chiếc mặt nạ ‘bằng vàng’ yêu nàng bằng trái tim của một ‘con rồng’- biểu tượng bá chủ. Và kết cục của một câu chuyện tình là một hố sâu loang lổ màu xanh. Tranh như đang kể một câu chuyện của thời hiện đại, thức tỉnh nhiều người.

DSC07615
 

Bức tranh NẮNG THU của họa sỹ Chu Việt Cường, đây là tác phẩm có phong cách riêng, đề tài riêng yêu thích của họa sỹ. Tranh bừng sáng bởi chất liệu vàng. Tranh có nhiều lớp không gian, từ gần đến xa. Tranh có độ sâu, vẽ rất kỹ, luôn tạo cảm giác cho người xem đang đứng trước một màn ảnh lớn. Và trên tất cả là sự yên ả của một góc làng quê, không ai nói ra, nhưng những ai có quê ở nông thôn đều thèm muốn làng quê mình còn lưu lại được những không gian như này. Hình ảnh yên ả về làng quê đã làm gợi nhớ đến họa sỹ lừng danh Lê Phổ (1908-2001, với bức tranh lụa Thiếu nữ dâng trà được bán đấu giá với giá 6,2 tỷ đồng tại nhà đấu giá Sotheby’s hồi tháng 5/2013), trước khi ông mất tại Pari, điều ông mừng nhất là tìm lại được bức tranh sơn dầu Trưa hè (mô tả một buổi trưa bên cầu ao vùng thôn quê ông) mà ông đã bán đi năm 1937 tại triển lãm Pari.

Tác giả bài viết xin chúc cho Nhóm các Họa sỹ “SƠN TA” sẽ gặt hái được thành công trên thương trường trong nước và khu vực bởi bản sắc riêng của chất liệu Việt, và sức sáng tạo khác biệt.

(Thông tin thêm: Có khoảng hơn một trăm khách tham dự khai mạc hầu hết là người Việt, khách nước ngoài có một đôi vợ chồng người Nhật đến tặng hoa và một vị khách Nga.Triển lãm mở cửa đến hết ngày 24/7/2013)

(Nguồn:Ảnh và Bài của TS. Philip Nguyễn từ www.ramgallery.net)