“Hoàng tử của khoá kháng chiến” tên gọi yêu thích dành cho hoạ sỹ Lưu Công Nhân, người đã ra đi được 7 năm (21/7/2007-21/7/2014). Hội hoạ của ông vẫn còn sức hút đầy mê hoặc với những người yêu, sưu tập tranh và cả với những nhà đầu tư nghệ thuật hôm nay bởi tính thẩm mỹ và những giá trị sáng tạo riêng của người nghệ sỹ tài danh.

IMG_6204

Người hiệu trưởng đầu tiên của trường Mỹ thuật Đông Dương giai đoạn kháng chiến là hoạ sỹ Tô Ngọc Vân đã coi Lưu Công Nhân là học trò yêu, bởi người “vẽ theo phương châm thẩm mỹ  của thầy thì ông là giỏi nhất.” (trích lời hoạ sỹ, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân, tuyển tập Lưu Công Nhân V, tr 4, 2007)

Những bức tranh thuốc nước thể hiện những kỹ thuật đầy trắc ẩn của Lưu Công Nhân vẽ từ những năm 1950 đã làm nên tài danh của người hoạ sỹ.  Lùm tre soi bóng xuống bờ ao, bức tường cũ gạch lở xuống, bà lão móm mém, cô nuôi lợn, cô dân quân, con mèo,… là những bức tạo hình xuất sắc bậc nhất thời chống Pháp của ông bên cạnh những hoạ sỹ bậc thầy của Mỹ thuật Đông Dương.

IMG_6207

Lưu Công Nhân bằng vốn tiếng Pháp ông đã tự trang bị cho mình kiến thức sâu rộng, vì vậy ông sáng tác kỹ càng, liên tục. Ngắm những bức tranh của ông thấy những nét vẽ như chơi, nhưng được các nhà phê bình Mỹ thuật đánh giá đó là  sự khổ luyện và nghiền ngẫm. Trong giai đoạn sáng tác nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa thì ông được đánh giá đứng ở đỉnh cao với những đề tài nông thôn-nông dân, công nghiệp-công nhân, các “anh hùng xã hội chủ nghĩa”, nhưng không đánh mất mình mà trung thành với những gì là thiên hướng nghệ thuật của riêng mình. Với chất liệu mực nho, bột màu, thuốc nước tranh ông bay bổng, nhẹ nhõm, lãng tử, điệu đà nhưng rất chân thực, như chính con người ông sống. Ông có số mệnh măy mắn của một hoàng tử, chưa từng phải lo cuộc sống cơm áo như bao người cùng thế hệ, toàn tâm cho nghệ thuật, được thầy yêu, bạn bè nể phục, tất cả phản ánh hết qua những bức tranh ông vẽ.

Ông yêu cái đẹp đến mê đắm, không phân biệt đó là đẹp hiện đại hay cổ hủ. Ông mê cái đẹp của phụ nữ và vì vậy ông vẽ tranh về họ bất tận, không biết mệt mỏi. Ngày nay những người sưu tập nếu có cơ hội sở hữu tranh Lưu Công Nhân vẽ những người thiếu nữ thì đó là một cơ duyên hiếm, bởi tranh ông ít bán, ông giữ lại cho mình, tặng cho bạn bè thân thiết mà thôi.

Hơn 60 năm cầm cọ, những tác phẩm của ông là sự rung động đích thực, giữa con người với con người, ở những khoảnh khắc bất chợt. Nói như nhà phê bình Đỗ Phấn “tác phẩm của ông vẽ theo hình thức nào, đề tài gì cũng vượt ra khỏi không gian hẹp của một bức tranh thông thường. Nó là con mắt nhìn đầy nghi hoặc, đau đáu, cân nhắc giữa nghệ thuật và cuộc đời. Giữa sáng tạo và phản ánh, giữa bay bổng và cẩn trọng. Giữa quyết liệt và khoan dung.” (trích lời hoạ sỹ, Đỗ Phấn, tuyển tập Lưu Công Nhân V, tr 5, 2007).

Xin giới thiệu với những người nghiên cứu mỹ thuật một số bức vẽ chụp từ quyển tuyển tập số V của Lưu Công Nhân, năm 2007, đây là quyển sách cuối cùng giới thiệu tranh của ông mà ông chưa kịp được xem trước ngày ra đi:

IMG_6208

 

IMG_6218

 

IMG_6219

 

IMG_6221

 

IMG_6222

 

IMG_6225

 

IMG_6238

((Bài viết thực hiện bởi Dr.Philip Nguyen – Art Dealer, 05/7/2014)