CÂU CHUYỆN THỨ NHẤT, CỨU MẸ 

Khoảng 1954 diễn ra cải cách ruộng đất ở Nghệ An. Hoạ sĩ Nguyễn Tư Nghiêm nghe tin ở quê mẹ mình bị đấu tố là địa chủ, nguy cơ bị đem ra xử nặng. Ông đã bằng mọi cách tìm về quê Thanh Chương, Nghệ An để ngăn cản, cứu mẹ.

Thành phần gia đình hoạ sĩ, cha ông là cụ Nguyễn Tư Tái, đỗ Phó bảng kỳ thi năm 1911 rồi ra làm quan Tri huyện tại Huế. Sau này, cụ rời quan trường, về quê, chiêu mộ nông dân, lập ấp, lại có thêm nghề làm thuốc, và từ đó gia đình khá giả. 

Thêm một chi tiết, cụ thân sinh ra Hồ Chủ Tịch là cụ Nguyễn Sinh Sắc đỗ Phó bảng sau cụ Nguyễn Tư Tái 3 năm, cùng đồng thương Thanh Chương và là bạn thân (trích sách Nguyễn Tư Nghiêm, NXB Mỹ thuật, 2019).

Tiếp tục câu chuyện cấp tốc về quê cứu mẹ. Như lời hoạ sĩ Nguyễn Tư Nghiêm kể lại cho hoạ sĩ Bùi Minh Dũng, khi chạy về được đến quê Thanh Chương, thì trên người hoạ sĩ Nguyễn Tư Nghiêm còn mặc đúng chiếc áo và cái quần cộc. Thời điểm này du kích xã sắp dẫn giải mẹ ông ra cánh đồng hướng về cái cây to. Để cứu mẹ mình, ông buộc phải bộc lộ thân thế, dù không muốn, ông là Phó bí thư Khu uỷ Liên khu 5, thuộc Trung Bộ (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai) thành lập theo quyết định của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 15-10-1945 chia đất nước thành 9 phân khu. Cuối cùng ông đã cứu được mẹ mình khỏi cái chết cận kề. Hoạ sĩ Bùi Minh Dũng, đồng hương cụ Nguyễn Tư Nghiêm, đã kể câu chuyện này.

CÂU CHUYỆN THỨ HAI, LÒNG TÔN KÍNH

Dù cứu được mạng của mẹ mình, nhưng vì là thành phần giàu có, có ruộng đất, nên mẹ ông vẫn bị đưa ra đấu tố. Người ta đã bắt buộc hoạ sĩ Nguyễn Tư Nghiêm phải tham gia đấu tố mẹ mình. Trong nhiều lần đấu tố, những người bị đem ra đấu tố, sẽ bị những người đấu tố là nông dân, du kích,…, họ bị gọi là thằng, là con, là mày, và mẹ hoạ sĩ Nguyễn Tư Nghiêm sẽ bị gọi bằng những đại từ kiểu như vậy.

Để giữ lòng tôn kính người sinh ra mình, ông kiên quyết từ chối tham gia đấu tố mẹ mình, dù liên tục bị ép buộc. Ông đã phải giả điên, tới mức vào nhà thương điên, để không phải đấu tố mẹ. Thông tin này được cụ Bá Đạm, 103 tuổi, kể lại cho người nghiên cứu. 

Nguyễn Tư Nghiêm đi theo cách mạng, đứng giữa lựa chọn con đường cách mạng với nhiệm vụ chính trị đấu tố tầng lớp địa chủ và lòng tôn kính mẹ mình, ông đã lựa chọn câm lặng, không thoả hiệp. 

Cụ Bá Đạm còn kể thêm, trong Nguyễn Tư Nghiêm luôn mang nỗi buồn về việc đấu tố mẹ. Ông đã bộc lộ cho người bạn Bá Đạm biết rằng, ông sử dụng rất nhiều màu nâu, trong vô số tác phẩm nghệ thuật, là bởi buồn nhớ mẹ.

NHÌN NHẬN RIÊNG CỦA NGƯỜI NGHIÊN CỨU

Người nghiên cứu, đưa ra nhận định rằng, Nguyễn Tư Nghiêm đã được cha ông, quan triều Nguyễn, dạy dỗ, rèn rũa ông theo những qui tắc của Lễ giáo phong kiến về đạo đức tôn kính cha mẹ, với tinh thần triết học của Đạo Khổng, Đạo Giáo làm nền tảng. 

Sự tôn kính của ông dành cho mẹ mình đã được ông viết đi viết lại thông qua ngôn ngữ hội hoạ, ông viết trong câm nín, mà đến tận hôm nay, có thể, rất hiếm người biết được điều này. Người nghiên cứu sẽ có trình bày ở một bài chuyên sâu khác.

Tinh thần của cải cách ruộng đất, chia đất đai của cải cho nông dân là không sai, khi nhìn vào bối cảnh trước sau 1954, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, bởi nó huy động được toàn lực xã hội cho chiến thắng, chỉ có cách làm là cực tả, gây đau khổ cho một tầng lớp nhất định. 

Hoạ sĩ Nguyễn Tư Nghiêm 1957, ở vị trí của người làm cách mạng, ông đã vẽ nên tác phẩm Chia Quả Thực, cảnh chia của cải trong cải cách ruộng đất, được trưng bày trong Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam. Nhưng đứng ở góc độ đạo đức tôn kính mẹ, ông không chấp nhận cải cách ruộng đất, vì như chính ông nói, ông không thích bức tranh này, dù nhiều người ca tụng.

Sau năm 1957, ông dành phần đời còn lại để vẽ lặp đi lặp lại LÒNG TÔN KÍNH MẸ ở nhiều bức tranh cùng tên, để người ta suy tôn ông là Danh hoạ Dân tộc.

(Hà Nội, ngày Chủ Nhật thứ hai của tháng 5 năm 2024)