Họa sĩ Trần Đình Thọ là họa sĩ của hiện thực, cổ súy và dẫn dắt quan điểm sáng tác hiện thực. Ông là người duy nhất trong Hội mỹ thuật Việt Nam, khi còn đang tại vị Hiệu trưởng trường ĐH Mỹ thuật là Ủy viên Đảng Đoàn của tất cả các Hội trong Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật. (1) Sức ảnh hưởng của ông lên đường hướng đào tạo, sáng tác giai đoạn này rất lớn.




Khi còn dẫn dắt trường đại học mỹ thuật thì quan điểm nghệ thật của ông luôn nhất quán, chỉ có hiện thực và hiện thực. Tất cả những quan điểm và thực hành nghệ thuật khác đi ví dụ như lập thể hay trừu tượng ở những thập niên 1970-1980 thì không được ông ủng hộ.




Chuyện kể của nhân chứng thời cuộc, khi họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ, bản thân ông là họa sĩ vẽ hiện thực phong cảnh rất nhuần nhuyễn trên mọi chất liệu, và đến thập niên 1970-1980 ông cổ súy cho quan điểm sáng tác Hiện Đại. Để thể hiện quan điểm, họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ đã khéo léo, dịch thư của Chủ tich Hồ Chí Minh gửi cho họa sĩ Picasso, đăng trên Báo tường của trường đại học mỹ thuật. Ngay lập tức nhận được phản hồi từ họa sĩ Trần Đình Thọ là chỉ có hiện thực và hiện thực mới chính thống, “ca ngợi lập thể là ca ngợi phản động” (1) Họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ sau đó cũng khốn khổ vì đã chót dịch và đăng bức thư đó. Việc như này thì có họa sĩ Trọng Cát lúc đó phụ trách báo tường của trường đại học mỹ thuật Việt Nam chứng kiến. (1)






Trong giai đoạn 1950-1980 thì Tổng thư ký nay gọi là Chủ tịch Hội mỹ thuật Việt Nam là họa sĩ Trần Văn Cẩn, bản thân ông là họa sĩ hiện thực và chỉ hiện thực. Với bối cảnh lịch sử là như vậy, với những người đứng đầu về đào tạo họa sĩ, về hội nghề nghiệp, công với đất nước còn nặng nề về kiểm soát do chiến tranh,.., thì các họa sĩ khó mà khác đi được.




Việc hình thành hai phe Hiện thực và Hiện đại là có thực, theo như lời những người trong cuộc ngày đó. Và phe Hiện đại trở thành yếm thế trước bối cảnh lịch sử xã hội. Chúng ta có thể nghe các ví dụ dưới đây:

Ví như họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ nhà phố cổ xiêu xiêu nghiêng nghiêng, những con phố vắng lặng chẳng bóng người, cũng đâu có dễ được chấp thuận. Rồi từ thập niên 1970, ông vẽ phố Hà Nội trừu tượng, vẽ xong, không khoe, chỉ dám cất vào trong thùng, cho tới tận ngày ông mất mới mở ra.

Ví như họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, khi ông vẽ Kiều Kim Trọng khác đi để minh họa cho cuốn Truyện Kiều của nhà xuất bản Thế giới, đã bị một lãnh đạo lớn mời lên gặp để yêu cầu…, cuối cùng là họa sĩ chẻ bỏ bộ khắc gỗ, cuốn sách hủy in không ra đời. Rất may họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm không sinh hoạt trong đoàn thể nào nên ông tự do vẽ: vẽ Gióng khác đi, cả Ngựa và Gióng vuông vức thành những khối như điêu khắc, khi vẽ Dê lập thể, khi vẽ Múa Cổ đẩy lên lập thể,…, phải đến tận cuối thập niên 1970, khi cụ Trần Văn Cẩn nói với cụ Nguyễn Đỗ Cung về cụ Nguyễn Tư Nghiêm “NGUYỄN TƯ NGHIÊM CÓ MỘT BƯỚC TIẾN” (1)

Ví như họa sĩ Dương Bích Liên vẽ HÀO cũng bị qui chụp tới khốn khổ, và khiến ông phải thu mình lại trong im lặng, cô đơn.

Ví như họa sĩ Nguyễn Sáng, theo dõi quá trình sáng tác của ông, thấy ông vẽ chân dung mình kiểu như Munch vẽ tranh Tiếng Thét, nhưng rồi cũng chỉ để đấy, phải quay về vẽ Hiện thực bằng những lối đi tạo hình của riêng ông.

Ví như họa sĩ Lê Huy Hòa vẽ siêu thực cũng khốn khổ mấy thập kỷ 1960-1970, thậm chí còn bị đẩy tới cô đơn/ cô lập.

Việc phe Hiện thực thắng thế cũng đã có đà từ giai đoạn còn kháng chiến chống Pháp. Trong cuốn hồi ký của Tạ Tỵ có viết về giai đoạn sáng tác Hiện đại của ông, đã khiến ông khốn khổ. Những người bạn của họa sĩ Tạ Tỵ như Bùi Xuân Phái, khi chứng kiến tranh của Tạ Tỵ bị phê bình năm 1950, cũng chẳng dám lên tiếng bảo vệ Tạ Tỵ dù biết hội họa của Tạ Tỵ phải là như thế. Để rồi Tạ Tỵ phải dinh tê vì không còn đất để dụng võ hội họa.







Người đi sưu tầm tư liệu về sự phát triển của mỹ thuật, cũng chỉ nhặt được những mảnh vụn, chắp ghép, từ những câu chuyện, của những nhân chứng sống, chia sẻ lại để cùng hiểu hơn về họa sĩ, về hội họa. Và dù là tranh Hiện thực hay Hiện đại, thì đều đóng góp tốt đẹp vào lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Đều đem lại sự tiến bộ trong thẩm mỹ của người Việt Nam hôm nay.

Ngày hôm nay, những nhà sưu tập Việt Nam, họ là người mới, hay họ chỉ là người đầu tư tài chính thông thường, họ cũng sẽ tập trung vào Hiện thực. Điều này như một lẽ tự nhiên của sự phát triển về tư duy thẩm mỹ mỹ thuật. Hôm rồi, có một nhà sưu tập mua được bức tranh sơn dầu của họa sĩ Trần Đình Thọ. Và tin tiết lộ là bức tranh đó có giá cao, tiền từ tỷ đồng trở lên.
 
(1): lời Ts. Nguyễn Đỗ Bảo, nguyên Chủ tịch Hội đồng phê bình lý luận mỹ thuật Hội MTVN
 

(Cát Khánh, 10/2023)