Chiếc hộp da đựng Huy chương của Triển lãm Hiện thực Quốc tế tại Bungaria thập niên 1980s, đã trao cho 10 họa sĩ đạt giải Quốc tế chính thức gồm: Đức, Nhật, Việt Nam,... Huy chương đã được trao cho tác phẩm Múa Cổ của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm. Chiếc hộp hiện lưu giữ tại nhà của Nhà Phê bình Mỹ thuật Nguyễn Đôc Bảo
             
              Một tối mùa đông, cuối thập niên 1970s, mưa phùn lạnh lẽo, con phố Nguyễn Thái Học nối tới Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vắng ngắt.  Từ khu nhà tập thể cán bộ Viện nghiên cứu Mỹ thuật giáp với Bảo tàng, một cán bộ của Viện rảo bước, hướng tới căn nhà số 65 Nguyễn Thái Học. Căn nhà biệt thự Pháp cổ, ở đó có nhiều nghệ sĩ, họa sĩ cùng ở, mỗi cụ, mỗi gia đình ở một căn buồng.  

Như lệ thường, từ hơn chục năm nay, hàng tháng, người cán bộ cần mẫn, mang 20 tấm ảnh, ảnh chụp các điêu khắc cổ về đình, chùa, lăng tẩm, tới ngôi nhà số 65, giao cho một họa sĩ ở căn buồng trên gác hai. Hai con người, một bằng tuổi cha, một người tuổi con, ngồi bên nhau, tâm tình chuyện mỹ thuật, chuyện nghề, chuyện nhân tình thế thái, họ là cố danh họa Nguyễn Tư Nghiêm (1922-2016), và bác Nguyễn Đỗ Bảo, con trai cố họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung (1912-1977), bạn cùng trường cao đẳng mỹ thuật Đông Dương, cùng theo kháng chiến chống Pháp.

Câu chuyện thú vị và dài dòng là họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm không được đi hoặc rất khó được đi ra khỏi Hà Nội, như một công việc lệ thường của một họa sĩ, lấy tư liệu thực tế về vẽ.  Thời chiến tranh, muốn đi các địa phương, phải có giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức nơi cư trú. Cụ Nguyễn Tư Nghiêm từ thập niên 1960s, đã xin ra khỏi các cơ quan, đoàn thể, chỉ còn là hội viên của Hội mỹ thuật, nên cái việc đi xuống các địa phương, mang máy chụp ảnh tư liệu, là bất khả thi.

Bằng cảm mến về tài năng khác biệt,  cả sự đồng cảm, đồng hiểu về những vốn cổ văn hóa, bác Đỗ Bảo, đã tự nguyện cầm tư liệu ảnh của Viện Nghiên cứu Mỹ thuật,  định kỳ hàng tháng, đưa tới cho họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm mượn. Tất nhiên, chẳng phải thích là có thể thực hiện được, bác Đỗ Bảo đã trình bày ý tưởng hỗ trợ họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm các tư liệu của Viện, lên trưởng phòng, người quản lý trực tiếp là họa sĩ Nguyễn Đức Nùng, hàng tháng, cho họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm mượn 20 tấm ảnh, kích thước mỗi tấm 18 x 24 cm, cứ như vậy, trao mới, nhận cũ.

Ấy vậy, cuộc sống đời thường, đôi khi không phải cứ làm việc tốt là được ủng hộ. Không ít lần, bác Đỗ Bảo, bị các đồng nghiệp cùng Viện chất vấn, về việc mang tư liệu của Viện đi cho người bên ngoài Viện sử dụng. Trong số đồng nghiệp này, có cả người danh tiếng về nghiên cứu phê bình nghệ thuật, mà bác Đỗ Bảo có nhắc tên…

Cách trao tư liệu ảnh cũng khoa học, trao theo chủ đề, ví như tư liệu ảnh về nhà Mạc thì sẽ bao gồm tất cả các tư liệu ảnh của nhà Mạc mà Viện nghiên cứu mỹ thuật có, rồi cũng như vậy với tư liệu các thời kỳ, Lý, Trần, Lê. Theo bác Đỗ Bảo, tư liệu được trao nhiều nhất là tư liệu về điêu khắc đình làng thời Lê, trải dài mấy trăm năm từ thế kỷ, XVI, XVII, XVIII.

Ý thức cần mẫn, nhiệt tâm của người cán bộ Viện nghiên cứu Mỹ thuật, đã được danh họa đền đáp. Những câu hỏi khéo léo được đặt ra với họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm về những điều đúc rút ra qua các tư liệu. Để rồi những hiểu biết, thu thâu được, sâu sắc, uyên thâm của Cụ được trao truyền. Nhìn ở một giác độ khác, thì hóa ra cụ Nguyễn Tư Nghiêm lại trở thành một “nghiên cứu viên” của Viện nghiên cứu Mỹ thuật. Người viết bài này mới thấy, các cụ nhà ta, giúp nhau một cách đầy văn hóa, tình người, có trách nhiệm, chứ không như cái vỏ ngoài phiến diện, mà người thường thấy được. Hai con người một già, một trẻ đi cùng nhau xuyên qua ba thập kỷ, từ 1960s, sang cuối thập kỷ 1970s, ngắt quãng vài năm, vì người cán bộ đi nước ngoài làm nghiên cứu sinh, rồi lại tiếp tục ở đầu thập niên 1980s cho đến chạm đầu thập niên 1990s, tức là sau khi họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm lấy vợ, rồi chuyển nhà đi xuống khu Kim Liên.

(Còn tiếp)
 
(Cát Khánh, trích dẫn Tạp chí Mỹ thuật số tháng 9-10/2023)