TRANH HỌA SĨ NGUYỄN ĐỖ CUNG là một phần Chân - Thiện - Mỹ của một nhân cách đáng kính.
 
 
Ngày 22/9/2023, ngày giỗ họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, họa sĩ khóa Đông Dương. Người đọc sách, chia sẻ những giá trị khác, lớn hơn cả mỹ thuật thông thường, nhưng lại đúng khí chất của người họa sĩ Việt thuần khiết.
 
CUỘC ĐẤU TRANH CÔNG KHAI TRÊN BÁO ĐỂ BẢO VỆ MỸ THUẬT THỜI LÝ CỦA HS NGUYỄN ĐỖ CUNG
 
Trong lĩnh vực Mỹ thuật (điêu khắc, kiến trúc cổ Việt Nam) thì L.Bezacier, kiến trúc sư, giảng viên lịch sử mỹ thuật Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, tác giả hai công trình về Mỹ thuật Việt Nam (1) (xuất bản hai lần vào năm 1944, 1954) đã gán ghép cho Mỹ thuật Phật Tích (nhân khai quật nền móng cây Bảo thaps đá của chùa) là Mỹ thuật Đại La, đời Đường, Trung Hoa (thế kỷ VII). 
 
Mặc dầu chính Bezacier khi khai quật nền ngôi tháp đá Phật Tích, đã thu được những hiện vật như rồng đá, gạch đất nung ghi rõ niên đại xây dựng: "Lý Gia Đệ Tam Đế Long Thụy Thái Bình Tứ Niên Tạo": (làm vào đời vua thứ 3, năm thứ 4, niên hiệu Long Thụy Thái Bình, Lý Thánh Tông, 1057). Từ những chứng cứ xác thực đó, Nguyễn Đỗ Cung đã đưa ra ý kiến khẳng định:
 
"Những con rồng đất nung tìm thấy ở khu vực Vĩnh Phúc, Ngọc Hà, Hà Nội thuộc kinh thành Thăng Long thời Lý, đều giống nhau cả về chi tiết lẫn đại thể như những con rồng ở Phật Tích. Chúng đều thuộc mỹ thuật thời Lý. Có khác chăng, chỉ khác về hai chất liệu đá và đất nung. Vậy từ nay, theo tôi nên gọi đó là nền mỹ thuật thời Lý, chứ không gọi là mỹ thuật Đại La thời Đường. Như thế sẽ đỡ bất tiện cho ông L.Bezacier biết mấy."
 
Bài viết của hs Nguyễn Đỗ Cung đã gây được tiếng vang và sự kích thích cao trong dư luận và giới học thuật (2)
 
BẢO TÀNG MỸ THUẬT VIỆT NAM RA ĐỜI
 
"Kết quả sau nhiều năm say sưa nghiên cứu, tìm hiểu kho tàng mỹ thuật cổ dân tộc, thực tế tạo cho Nguyễn Đỗ Cung niềm tin yêu, say mê, sự hấp dẫn bở vẻ đẹp độc đáo của chúng. Từ đó nhóm lên trong ông ngọn lửa nhiệt tình và niềm mơ ước nóng bỏng: Việt Nam cần phải có một bảo tàng mỹ thuật quốc gia và một Viện nghiên cứu mỹ thuật. Trước hết để truyền bá giáo dục vốn cổ dân tộc rất đáng tự hào cho nhân dân; đồng thời cũng công bố cho quốc tế biết về một nền văn hóa nghệ thuật rực rỡ còn ít người biết đến, đã bị ngộ nhận, trong khi chúng ta còn có cả những chiến thắng chống ngoại xâm vang dội suốt chiều dài lịch sử ngót ngàn năm Bắc thuộc." (3)
 
Năm 1966, một bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam bề thế về hình thái kiến trúc, mang rõ tính đặc thù dân tộc, cộng với nội dung trưng bày phong phú, chính xác về khoa học, đã ra đời.
 
Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, ra đi sớm, (1912-1977, hưởng thọ 65 tuổi), thật ngắn ngủi, nhưng ông cũng kịp để mọi thế hệ họa sĩ Đông Dương, Kháng Chiến và hôm nay kính trọng như Trần Thức đã viết:
 
"Phải chăng, đó chính là hạnh phúc của một con người - một nghệ sỹ - nhà khoa học, luôn hướng vào cái đích của lý tưởng CHÂN - THIỆN - MỸ"
 
(1): L.Bezacier Essais sur I'art Annamite. Hà Nội, 1994. L's art Vietnamien. Paris.1954
(2): Nguyễn Đỗ Cung. Nhân đọc quyển "Essais sur I'art Annamite". Mỹ thuật Đại La hay Mỹ thuật Lý. Tạp chí Thanh Nghị, số 96, ngày 16/12/1944.
(3) Lớp hội họa kháng chiến Nguyễn Đỗ Cung ở liên khu V 1948.
 
Nội dung bài đăng trên trích dẫn nội dung chính từ cuốn sách (3).
 
Viết tại nhà họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, phố Hàng Hành, Hà Nội, 9/2023