Bị Bỏ Quên

Điêu khắc đình làng, điều đầu tiên cần nói tới là số phận bị bỏ quên của loại hình điêu khắc này, qua một thời gian dài trong đời sống mỹ thuật của chúng ta (1).
 
Điêu khắc gỗ, Chuốc Rượu, Đình Hoàng Xá, in sách Điêu Khắc Đình Làng Việt Nam, 1972, Nguyễn Đỗ Cung, Trần Văn Cẩn
Điều thú vị là hãy hiểu đây là chuyện thường xảy ra với “những cá tính nghệ thuật mạnh mẽ, những cá tính thà bị tạm lãng quên, chứ không chịu chung chạ với mọi thời” (1).

Điêu khắc gỗ, Trâu Húc, Đình Liên Hiệp, Hà Tây

Nhà nghiên cứu Thái Bá Vân còn viết “kể cả những quyển sách cũ nhất cuối thế kỷ trước, cho tới những trang viết về mỹ thuật Việt Nam cách đây mươi năm thôi, của cả tác giả ngoài lẫn trong nước, tuyệt nhiên không ai nói tới nó, hoặc không ai dành cho nó những câu - chứ đừng nói đến những trang - xứng đáng.(1)
Vì sao có sự bỏ quên đó? (sẽ viết tiếp sau).
Theo các sở liệu thì những lời viết trên được viết khi Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Viện Nghiên Cứu Mỹ Thuật ra mắt cuốn sách Điêu khắc cổ và Triển lãm Điêu khắc Đình làng năm 1972. Sự kiện của Bảo tàng và Viện lúc đó như một dấu mốc về sự nghiên cứu mang tính thực chứng khoa học bên cạnh niềm tin về sự tồn tại hưng thịnh của vài trăm năm điêu khắc Đình làng cổ.
 
Điêu khắc gỗ, Đánh Hổ, Đình Chẩy, Hà Nam
 
Đánh giá rõ nét của hoạ sĩ Nguyễn Đỗ Cung (1912-1977), người sáng lập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam năm 1966, và của Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - hoạ sĩ Trần Văn Cẩn (1910-1992) với những người thợ điêu khắc Đình làng cổ, rằng, họ là những nghệ sĩ lớn, đạt tới tầm vóc vượt khỏi cả cái lề thói cố hữu của Nho giáo phong kiến, họ không hề đơn giản, mà rất bản sắc dân tộc.
 
 
Trong dòng chảy mỹ thuật Việt Nam kể từ khi có trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, thì chỉ có một hoạ sĩ dám chọn văn hoá cổ Đình làng Việt để sáng tạo lại bằng phương tiện hội hoạ hiện đại và truyền bá được tư tưởng của tầng lớp nông dân, nông thôn. Ông đã mượn hàng trăm tấm ảnh về điêu khắc đình làng của Viện Nghiên cứu Mỹ thuật để nghiên cứu và vẽ suốt 3 thập niên 1960-1970-1980.
Ts Nguyễn Đỗ Bảo (nguyên Chủ tịch Hội đồng Phê bình và Lý luận của Hội Mỹ thuật Việt Nam, nguyên uỷ viên Hội đồng PB LL TƯ), là người kiên nhẫn mỗi tháng đem 20 tấm ảnh của Viện Nghiên cứu Mỹ thuật ( được sự đồng ý của hs Nguyễn Đức Nùng) tới cho hoạ sĩ nghiên cứu và vẽ, ông là danh hoạ Nguyễn Tư Nghiêm.
 
 
Điêu khắc gỗ, Đánh Vật, Đình Hoàng Xá, Hà Tây
 
Điêu khắc gỗ, Tiên Nữ, Đình Ngọc Than, Hà Tây
Sự âm thầm vẽ bằng bút pháp hiện đại trên nền vốn cổ điêu khắc của hoạ sĩ, phải khẳng định là sự đóng góp lớn lao, khiêm nhường, bởi người ta chỉ nhắc tới những cụm từ chung của điêu khắc như MÚA CỔ, TIÊN RỒNG, UỐNG RƯỢU, ĐÁNH CỜ, HỔ, RỒNG, … trước tiên… chứ không ai nhắc tên ông trước. Chúng tôi nhìn nhận như một sự im lặng nội cảm, chấp nhận ẩn mình trong dân tộc của người hoạ sĩ, đã tiên phong góp vào phục dựng vốn văn hoá cổ Đình làng.
 
(Cát Khánh, HN, 10/2023)