Chân dung tự hoạ của Mattise(1900); cọ vẽ và bút mực
Số mệnh đã không định sẵn để Henri Matisse trở thành một họa sĩ. Bản thân ông cũng tự nói rằng mình “là con của một nhà buôn hạt giống, được kỳ vọng sẽ tiếp quản sự nghiệp từ cha mình”. Matisse không phải một tài năng bộc lộ từ thuở sớm; không phải một thần đồng như Pablo Picasso. Nhưng hơn thế, sự nghiệp của cả đời ông từng bước phát triển vững chắc, bởi vào sự cống hiến không ai sánh bằng của ông dành cho màu sắc, ánh sáng, không gian, và niềm hứng khởi đối với sự sáng tạo.
Họa sĩ Matisse sinh ngày 31/12/1869 ở xã Le Cateau-Cambrésis, miền Đông Bắc của nước Pháp. Cha ông, Emile Matisse, và mẹ ông, bà Héloise (née Gérard) đều tới từ Le Cateau nhưng định cư ở Bohain, nơi họ sở hữu một cửa hàng cung cấp gia dụng, với hai gian phụ để chất chứa hạt giống và sơn. Ông Emile thực hiện chế độ phụ quyền cứng rắn trong gia đình mình và cho rằng việc con trai mình sẽ tiếp quản công việc một ngày nào là điều hiển nhiên. Nhưng sức khỏe của cậu bé Henri quá yếu và những kế hoạch của ông Emile dành cho con trai đã không bao giờ được thực hiện.
Henri đã theo học tại trường ngữ pháp Henri Martin ở Saint Quentin (1882-1887), học luật 2 năm ở Paris, “đùa giỡn” với ý định trở thành một dược sĩ, và đến năm 1889 Henri nhận được công việc trợ lý luật sư ở Saint Quentin. Và sau đó, khá bất ngờ, Henri phát hiện ra rằng mình có thiên hướng với nghề họa sĩ. Năm 1890, họa sĩ Matisse đã phải dành phần lớn thời gian nằm trên giường bởi bệnh viêm ruột thừa; mẹ ông đã tặng ông một hộp màu vẽ để giết thời gian, và chàng trai Henri Matisse từ đó đã khám phá ra niềm đam mê của mình. Đó hẳn là một đam mê đã luôn hiện hữu trong con người của Henri bấy lâu nay, bởi trong khoảng thời gian làm việc ở văn phòng luật sư, Matisse đã tham dự một khóa học vẽ của tổ chức Quentin de la Tour: khóa học dành cho các nhà thiết kế rèm cửa, được tổ chức ở tầng cao nhất của lâu đài Palais de fervaques, từ 7đến 8 giờ sáng.
Matisse sau đó đã lựa chọn theo đuổi vẽ tranh và vào năm 1890,đầu 1891; cậu quay trở lại Paris để dự lớp học của họa sĩ William-Adolphe Bouguereau ở trường nghệ thuật Académie Julian và chuẩn bị cho bài kiểm tra đầu vào của trường École des beaux-Arts. Bouguereau đã chọn lọc học sinh của mình vào tháng 1 năm 1892; nhưng Matisse đã trượt bài kiểm tra đó. Không lâu sau khi ông đến Paris, Matisse cũng đã tham gia học ở trường École des arts décoratifs, nơi ông xây dựng một tình bạn lâu bền với Albert Marquet. Tháng 3 năm 1895, khi cả Matisse và Marquet-sau khi đã vượt qua bài kiểm tra-đều chính thức trúng tuyển vào trường École des beaux-Arts và trở thành học sinh của họa sĩ trường phái tượng trưng, Gustave Moreau. Kể từ năm 1893, họ trở thành những vị khách quen ở xưởng vẽ của họa sĩ Moreau.
Dinner table(1897) của Mattise; sơn dầu, toan; 100x131 cm; thuộc bộ sưu tập tư nhân
Một trong số những người hàng xóm của Matisse ở số 19, phố Quai Saint-Michel là họa sĩ Emile Wéry. Cùng với Wéry, Matisse du lịch tới Britanny vào mùa hè năm 1895, và cũng nhờ họa sĩ Wéry, ông lần đầu biết tới nghệ thuật trường phái ấn tượng. Trên đường quay về từ Britanny, họa sĩ Matisse đã tràn ngập sự phấn khích về màu sắc tán sắc (Prismatic Colours)hay màu sắc của cầu vồng, và bức “Dinner Table” đã cho thấy sự ứng dụng của ông đối với vui thú mới mẻ này. Xét về cách tiếp cận tỉ mỉ trường phái ấn tượng của bức tranh, tác phẩm làm ta gợi nhớ đến họa sĩ Camille Pisarro, nhưng cũng cho thấy thử thách mới của Mattise trong công cuộc tìm kiếm màu sắc thuần khiết.
Chàng họa sĩ trẻ ngày càng hứng thú hơn với nghệ thuật trường phái ấn tượng và điều này chắc chắn đã làm thầy Moreau-vốn là một họa sĩ trường phái tượng trưng-phật ý. Tuy nhiên, sự tôn trọng giữa hai thầy trò vẫn được giữ nguyên vẹn: họa sĩ Moreau vô cùng coi trọng học sinh của mình, và trong bất kỳ trường hợp nào, những bức tranh nội thật (interiors), chân dung, tĩnh vật và phong cảnh vẫn là những gì mà ông dùng trong hệ thống đánh giá của mình. Năm 1897, khi bức “Dinner Table” được đưa ra triển lãm ở Salon de la các đối thủ.
Một năm sau, họa sĩ Matisse bỏ học ở Ecole des Beaux-Arts, và tổ trức triển lãm lần cuối cùng ở Salon de la Nationale. Một vài năm trước đó, ông đã có cơ hội gặp gỡ và quen biết bà Amélie Noémie Alexandrine Parayre ở thành phố Toulouse, người phụ nữ mà sau này Matisse cưới vào năm 1898. Tính đến thời điểm này, Matisse đã có một người con gái, Marguerite, từ một cuộc tình trước đó. Theo lời khuyên của Pisarro, họa sĩ Matisse đã cùng vợ tới London để được tận mắt chiêm ngưỡng các tác phẩm của J.M.W. Turner. Sau tuần trăng mật của mình, ông trở về Paris chỉ để chuẩn bị chuyển đến tỉnh Corsica, nơi ông dành cả mùa xuân và mùa hè của mình ở Ajaccio. Khoảng thời gian ở đây đã giúp cho tình yêu dành với miền nam trong ông thức tỉnh, và làm cảm hứng để ông sáng tác nên một số bức tranh phong cảnh, tranh tĩnh vật và tranh nội thất, phần lớn được thực hiện trên kích thước nhỏ. Ánh sáng của vùng Địa Trung Hải đã điểm thêm vào màu sắc của người họa sĩ sự tươi mới. Mùa thu đó cùng năm, họa sĩ Matisse và vợ chuyển đến tỉnh Toulouse, và đứa con trai đầu tiên của họ, Jean, đã ra đời ở Fenouillet. Năm 1900, họ có được người con trai thứ hai, Pierre, được sinh ra ở Bohain.
Gia đình Matisse bấy giờ đã quay lại Paris, về địa chỉ số 19, phố Quai Saint-Michel. Những năm tháng sau đó có phần khó khăn đối với họ: Matisse tiếp tục vẽ, vợ ông thì điều hành một cửa tiệm mũ, còn bọn trẻ thì thường được để cho ông bà trông coi. Khi họa sĩ Matisse trở lại Ecole de Beaux-Arts, Fernand Cornon, người kế nhiệm chức vụ của họa sĩ Gustave Moreau (qua đời năm 1889), đã yêu cầu ông rời khỏi xưởng vẽ, cùng với Marquet và Charles Camoin. Cornon chỉ ra rằng Mattise đã vượt quá giới hạn 30 tuổi. Ở vào thời điểm này, ông cảm thấy chưa hoàn toàn sẵn sàng để hoạt động độc lập. Mattise trở lại Académie Julian một thời gian ngắn, sau đó chuyển tới học việc khác, mới được thành lập bởi Camillo, cùng họa sĩ Eugène Carrière, một người bạn của nhà điêu khắc đại tài Auguste Rodin, là thầy giáo giảng dạy. Họa sĩ Matisse sau đó có cơ hội được làm quen với André Derain; và Derain giới thiệu ông với người bạn của mình là họa sĩ Maurice de Vlaminck. Song song, họa sĩ Matisse đã sáng tác các bức tranh tĩnh vật, phong cảnh của Paris, các nghiên cứu(phác thảo) khỏa thân và cả tượng điêu khắc.
Male model(1900) của Mattise; sơn dầu, toan; 99,3x72,7 cm; bảo tàng nghệ thuật hiện đại, New York
Matisse đã dành rất nhiều thời gian để tới các bảo tàng và phòng tranh, như phòng tranh của Ambroise Vollard (nhà kinh doanh nghệ thuật), nơi ông đã mua lại một bức vẽ của Van Gogh, bức tượng bán thân Henri de Rochefort của Rodin, một bức tranh của Paul Gauguin (Young Man with Tiaré Flower) và bức “Bathers” của Paul Cézanne. Từ 1900 đến 1904, Matisse đã chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi hoạ sĩ Cézanne, minh chứng là bức “Male Model” của ông (p. 6). Tranh người mẫu nam khỏa thân của họa sĩ Matisse rất hiếm; ông chỉ sáng tác tác phẩm thể loại này từ năm 1899 đến 1903, thời điểm mà người họa sĩ thần tượng họa sĩ Cézanne nhất. Matisse có nhiều ghi chú đề cập tới quá trình sáng tác của ông: “Tôi nhấn mạnh vào nhân vật, và không hề do dự trước nguy cơ làm mờ vẻ đẹp (của tác phẩm), bởi tôi chắc chắn về những gì mình sẽ thu lại.” Điều gợi nhắc ta tới Cézanne nhất trong bức “Male Model” đó là tư thế mà họa sĩ Matisse đã chọn cho người mẫu, một tư thế có phần cứng nhắc hơn là thoải mái.
Studio under the Eaves(1903) của Mattise; sơn dầu, toan; 55,2x46 cm; bảo tàng Fitzwiliam, Cambridge
Họa sĩ Matisse và vợ ông không thể kiếm sống đủ từ việc bán tranh và mũ, vì vậy Matisse bắt đầu nhận các đơn đặt vẽ tranh theo yêu cầu. Ông và bạn của mình, Marquet, đã nhận công việc trang trí cho tòa lâu đài Grand Palais ở Paris cho cuộc triển lãm “Great Exhibition” vào năm 1900. Đó là một công việc vất vả, và sau khi hoàn thành, Matisse cùng vợ đã lui về Bohain để tận hưởng một kỳ nghỉ xứng đáng. Lúc đó, tình trạng sức khỏe của Matisse rất kém và ông đã rất nản chí đến mức cân nhắc việc từ bỏ vẽ tranh. Bức “Studio under the Eaves” (p. 9) cho ta một ấn tượng về sự vật lộn của người họa sĩ để sống sót. Đó là một bức tranh u ám tựa như một hầm ngục, thiếu sáng và nhạt nhoà. Hình ảnh cái cây tràn đầy sức sống phía ngoài khung cửa sổ giống như là một lời hứa về một sự hé lộ, một hình ảnh trong một hình ảnh(an image within the image). Họa sĩ Matisse sau này đã có dịp nói với con trai mình, Pierre, rằng: “Đó là sự chuyển giao từ những giá trị ý nghĩa thành màu sắc.”
Luxe, Calme et Volupté(1904) của Mattise; sơn dầu, toan; 98,3x118,5 cm; Musée National d'Art Moderne, Centre Georges Pompidou, Paris
Họa sĩ Matisse sau đó đã vượt qua được sự chán nản của mình và bắt đầu tìm kiếm các nhà sưu tập cũng như những cơ hội để triển lãm. Ông tham gia vào một buổi triển lãm chung ở Salon d’Automme (thành lập năm 1903) và vào năm 1904, ông có một triển lãm của riêng mình ở phòng tranh của Ambroise Vollard. Năm 1905, họa sĩ Matisse trưng bày một bức tranh mà ông sáng tác năm 1904 tại Salon des Indépendants, “Luxe, Calme et Volupté” (p. 10); tác phẩm ngay lập tức được mua lại bởi Paul Signac (một họa sĩ). Họa sĩ Matisse quen biết Signac trong một mùa hè ở St Tropez, thông qua cuốn sách của nghệ sĩ nọ, “From Delacroix to Neo-impressionism”, vào khoảng năm 1898 và 1899. Matisse đã bị cuốn hút bởi phương pháp phân tích màu sắc của Signac, và ông đã sử dụng nó như một kĩ thuật tinh chỉnh ánh sáng sử dụng màu sắc. Trên phương diện ý tưởng, có lẽ ông mang ơn bức “Bathers” của họa sĩ Cézanne, nhưng cách Cézanne sử dụng màu sắc là phân chia (màu sắc) thành các mảng nhỏ. Nếu Matisse hy vọng cách tiếp cận theo kiểu tranh khảm này sẽ tạo nên một hiệu ứng mới có tính đồng nhất, thì ông hẳn đã phải thất vọng, và chính bản thân ông cũng đã viết: “Việc phá vỡ màu sắc khiến cho hình mẫu và đường nét bị phá vỡ. Những gì còn sót lại là một bề mặt trơ khủng khiếp, không gì ngoài một sự trêu ngươi đối với con mắt, thứ làm hỏng sự phối hợp hài hòa giữa bề mặt và đường nét.”
Interior at Collioure(1905) của Mattise; sơn dầu, toan vẽ; 59x72 cm, thuộc bộ sưu tập cá nhân, Switzerland
Họa sĩ Matisse đã dành mùa hè năm 1905 ở Collioure, một làng chài ở vùng Địa Trung Hải cùng với André Derain và Maurice de Vlaminck. Bức “Interior at Collioure” (p.11) đã được vẽ năm đó cũng như bức chân dung bạn của ông, họa sĩ Derain (p. 13). Khoảng thời gian ở Collioure đại diện cho một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời sáng tạo của người họa sĩ.
André Derrain(1905) của Mattise; sơn dầu, toan; 39.5 x29 cm
Woman with the Hat(1905) của Mattise, sơn dầu, toan, 81x65 cm; thuộc bộ sưu tập tư nhân, San Francisco
Năm 1905, họa sĩ Matisse, Derain, Vlaminck và Marquet cùng nhau triển lãm ở Salon mùa thu (Salon d’Automme-sự kiện triển lãm nghệ thuật thường niên) tại Paris và ngay lập tức gây xôn xao dư luận và công chúng. Cách sử dụng màu sắc thiếu kiềm hãm của họ đã khiến nhà phê bình nghệ thuật Louis Vauxcelles phong cho cái tên “ the Fauves” (Những kẻ hoang dã). Họ sử dụng màu sắc như một yếu tố chủ chốt trong tranh của mình và đều đồng nhất trong việc bác bỏ sắc thái của màu sắc trường phái ấn tượng, cũng như mục tiêu của những hoạ trường phái ấn tượng: tìm kiếm tiềm năng thể hiện của những màu sắc thuần tuý. Sự phản ánh chân thực về tự nhiên chỉ là một phần nhỏ của những gì họ hướng tới. Họa sĩ Matisse đã trở thành đối tượng chính của dư luận, cụ thể là bức “Woman with the Hat”(p. 15), tác phẩm mà ông hoàn thành vừa kịp thời gian cho sự kiện nghệ thuật. Đó cũng là bức tranh lớn nhất mà ông đem đến với triển lãm. Mặc một bộ váy dài đắt tiền cùng chiếc mũ tráng lệ, giống như một người phụ nữ duyên dáng đang tạo dáng trong một bức chân dung trưởng giả sang trọng, quý bà Matisse hướng một góc ¾ về phía người xem. Những hình khối thông thường bị thay thế bởi những mảng màu vô cùng nổi bật. Khuôn mặt người phụ nữ là ít bị ảnh hưởng nhất bởi quá trình hình thành tác phẩm, tuy vậy, nó vẫn bị vây quanh bởi các màu sắc nổi trội hơn-từ chiếc mũ đến phục trang. Bức tranh đã được mua lại bởi nhà sưu tập Michael Stein. Triển lãm mang tính scandal này đã giúp họa sĩ Matisse thoát khỏi nguy cơ sạt nghiệp và khiến giá trị các tác phẩm của ông tăng vọt. Các nhà sưu tập như Leo, Gertrude, Michael và Sarah Stein đều đã mua vài tác phẩm của ông, cũng thúc giục mọi người theo chân họ đầu tư vào tranh của Mattise.
Madame Matisse, 'The Green Line'(1905) của Mattise, sơn dầu, toan; 40,5x32,5 cm; bảo tàng Statens dành cho nghệ thuật, Copenhagen
Trong bức “Madame Matisse, ‘The Green Line’” (p. 16), một bức chân dung khác Mattise vẽ vợ mình, màu sắc mà bức tranh đem lại có phần hỗn loạn, nhưng hiệu ứng tổng thể lại là một cảm giác rất thanh bình. Không có một sự ngẫu nhiên nào xuất hiện trong cách trình bày này; Matisse đã tập trung vào những chi tiết thực sự quan trọng. Chính chất lượng tuyệt diệu và góc nhìn trưc diện của chủ thể đã biến“Madame Matisse, ‘The Green Line’” trở thành một tác phẩm nghệ thuật mang tính hình tượng. Xét đường vẽ màu xanh lá cây (trên ống mũi), thoạt đầu có vẻ không tự nhiên và cố ý, nhưng thực chất, nó đánh dấu một ranh giới giữa hai vùng sáng tối, đồng thời nhấn mạnh vào những phần tạo nên sự cân bằng, tạo nên vẻ đẹp của khuôn mặt. Mặt khác, đường vẽ này còn là mốc đánh dấu sự phân chia các vùng màu bổ trợ cho nhau trên bức tranh sao cho không làm tác phẩm xấu đi bởi sự phân bố đó. Điều khiến họa sĩ Matisse quan tâm là ông không coi việc vẽ chân dung vợ của ông là tạo dựng nên một hình ảnh; “vẽ ra một hình ảnh” có nghĩa là xây dựng nên một cấu trúc màu sắc.
Pastoral(1905) của Mattise; sơn dầu, toan; 46x55 cm; Musée d'Art Moderne de la Ville de Paris, Paris
Bên cạnh sự phong phú của những vùng màu sắc tương phản, Matisse liên tục sử dụng những đường nét nhịp nhàng sông song với nghệ thuật trang trí. Trong bức “Pastoral” (p. 17) ông đã áp dụng lại mô-típ thuộc bức “Luxe, Calme et Volupté”, đồng thời thiết lập nên hai chủ đề “joie de vivre” (niềm vui của cuộc sống) và “golden age”. Đó là những gì đã chủ yếu cấu thành nên sự nghiệp cả đời của Mattise.
Trích nguồn cuốn Mattise của Volkmar Essers, nhà xuất bản Taschen, H/A dịch, J.N biên tập, 27/11/2015